Đáng sợ cảnh mũi loét mủ, thâm đen sau khi nâng cấp nhan sắc bằng tiêm filler

Cánh mũi trái cô gái trẻ thâm đen, mưng mủ, vết bầm tím lan rộng từ trán xuống miệng, đau nhức, khó chịu và có nguy cơ hoại tử mũi, sau khi tiêm chất làm đầy filler.

Nữ bệnh nhân nhập viện Bệnh viện 108. Cô cho biết trước đó đã tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp ở Hà Nội, sau tiêm vùng mũi có dấu hiệu sưng tấy, bầm tím và chảy dịch. Sau vài ngày vết bầm không đỡ mà còn sưng mủ.

dang-so-canh-mui-loet-mu-tham-den-sau-khi-nang-cap-nhan-sac-bang-tiem-filler

Cánh mũi trái cô gái trẻ mưng mủ có nguy cơ hoại tử sau khi tiêm chất làm đầy filler

Tiêm chất làm đầy (filler) là phương pháp rất phổ biến trong làm đẹp. Tuy nhiên, chỉ những bác sĩ được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện.

Theo quy định, một bác sĩ để được tiêm chất làm đầy cho bệnh nhân, bác sĩ đó phải được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân. Trong khi đó, phần lớn các ca có tai biến sau tiêm chất làm đầy nhập viện đều là tiêm tại các spa, cơ sở thẩm mỹ.

Hiện nay, những phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, hoặc ít xâm lấn được người tiêu dùng lựa chọn để làm đẹp. Ưu điểm của những phương pháp này chủ yếu là có hiệu quả ngay, an toàn; thời gian thực hiện nhanh chóng; không để lại sẹo; không cần nghỉ dưỡng như các phương pháp thẩm mỹ xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ truyền thống.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng nên cân nhắc chỉ đồng ý sử dụng những dịch vụ làm đẹp này khi có các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo và được cấp phép thực hiện để hạn chế những tai biến có thể xảy ra.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận và xử lý cho những nạn nhân từ những cơ sở spa hay thẩm mỹ thậm chí cả những trường hợp làm đẹp ở nước ngoài nhưng về nước thì bị biến chứng rất nặng nề.

Nhiều trường hợp sau khi thực hiện các thủ thuật như tiêm chất làm đầy (filler) bị tai biến tại các vùng trên khuôn mặt, gây tắc mạch khiến bệnh nhân bị sưng môi, tắc mạch gây hoại tử vùng mũi, tắc mạch và tổn thương vùng mũi – mắt…, đau nhức, mưng mủ và phải đến Bệnh viện để can thiệp.

Mới nhất, cô gái trẻ vào Bệnh viện Da liễu Trung ương sau tiêm filler tại một cơ sở spa để tạo hình mũi và môi. Thế nhưng sau tiêm, bệnh nhân bị sưng môi, giảm thị lực mắt trái và đau nửa đầu. Lúc này bệnh nhân mới đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ.

Theo GiaDinh