"Đàn bà tại sao phải hơn nhau ở tấm chồng" - quan điểm lạ khiến hội chị em "dậy sóng"

Chị em hết lo giữ chồng rồi lại lo so sánh chồng mình với người khác, rồi coi rằng hôn nhân như một canh bạc, may mắn hay không là do do cái duyên.

Đúng là tâm lý chung của chị em đều cho rằng “hơn nhau ở tấm chồng” chính là “hơn nhau ở cuộc sống”, các chị đôi khi lại đổ lỗi cho hoàn cảnh, do mình không may mắn. Nhưng nếu bạn bớt chút thời gian đọc đoạn chia sẻ của cô gái tên Kim Oanh – 26 tuổi này, các bạn sẽ có một suy nghĩ hoàn toàn khác. Đây không phải là quan điểm chống đối số đông mà chỉ muốn các chị em nhìn nhận chính xác về quan niệm đã ăn mòn vào tư tưởng “đàn bà hơn nhau ở tấm chồng”.

Đoạn chia sẻ đang gây xôn xao như sau:

"Sao tôi lại ghét cái cụm từ huyền thoại "đàn bà hơn nhau ở tấm chồng/ở người yêu/ ở bản lĩnh/ ở khả năng kiếm tiền", ở cái gì đó nữa ý. Ê kì heng, tại sao đàn bà, hay gì cũng thế, cứ phải so đo, phân bì xem ai hơn, ai kém làm gì?

Đoạn chia sẻ của Kim Oanh (26 tuổi) về quan điểm "đàn bà tại sao phải hơn nhau ở tấm chồng" (Ảnh: Internet)

Hình như so bì nó trở thành một truyền thống của dân mình hay sao ý nhỉ? Với tôi, đấy là một kiểu thói quen cực kì tàn nhẫn. Cái trò so xem ai hơn ai, nó làm tổn thương không chỉ người bị so sánh mà còn cả người đi so sánh.

Bạn so chồng bạn với chồng người, trước tiên là bạn không tôn trọng chồng bạn rồi. Chồng là người, có tư cách, có tự trọng; chứ không phải món hàng ngoài chợ để bị đem ra so sánh, đong đếm xem hơn kém ra sao. Cả bản thân bạn nữa, khi bạn luôn mặc định trong đầu cái tư tưởng hơn thua, bạn có mệt không?

Tủi thân khi chồng mình ít đẹp trai hơn chồng nó, chồng mình không mua tặng quà mắc tiền như chồng nó, chồng mình không quỳ gối buộc dây giày như chồng nó... Suốt ngày quay cuồng trong cuộc đua "hơn nhau ở tấm chồng", mệt bỏ xừ ra ý.

Hồi trước tôi hay chơi với một hội chị em bạn dì, mỗi lần gặp nhau, chủ đề duy nhất của chúng nó là kể chuyện người yêu chiều chuộng thế nào, mua quà gì cho, đắt đỏ ra sao. Sau này khi tôi có bạn trai, chúng nó cũng nhao nhao lên hỏi: Đẹp trai không? Làm nghề gì? Lương nhiêu một tháng? Đi xe gì? Mua nhà chưa? Nhà nhiêu mét? Bao giờ ra mắt chị em? Tôi chỉ bảo chúng nó là "Bạn trai tao bình thường lắm, yên tâm là chúng mày hơn tao hết, hơn hết ráo luôn. Nhưng quan trọng là tao vui, OK?".

 

Đàn bà hạnh phúc khi bản thân thấy OK là được (Ảnh: Internet)

Để khẳng định cho quan điểm của mình, Kim Oanh cũng không quên gửi đến các chị em rằng đàn ông cũng có giá trị riêng, họ cũng chẳng thoải mái gì khi mình bị đặt lên bàn cân, so với anh này anh kia. Bởi trong xã hội đâu phải ai cũng may mắn tìm được công việc kiếm ra tiền, không bị nỗi lo vật chất đè nặng. Mỗi người một cách sống, ngay cả phụ nữ cũng vậy, nhìn vào thái độ tinh thần để mà đánh giá chứ không nên nhìn vào người chồng của họ:

"Chúng ta không thể mang đàn ông ra, đặt lên bàn cân để kết luận ai hơn ai được, bởi trong mắt mỗi người phụ nữ, họ có những tiêu chuẩn khác nhau, mưu cầu khác nhau, sự cảm nhận khác nhau, giống như trong mắt Thị Nở, Chí Phèo là soái ca nhưng trong mắt dân làng Vũ Đại, hắn chỉ là cặn bã.

Và đàn bà cũng thế, mỗi cô gái là một cá thể riêng biệt, có bản sắc riêng, không thể đem ra so sánh cô nào hơn cô nào dựa vào người đàn ông cô ta lấy, hay cái túi cô ta xách, hay cái xe cô ta đi. Nếu nói "đàn bà hơn nhau ở tấm chồng", thì giả sử cô nào đấy không thích lấy chồng hoặc li dị chồng thì coi như cô ta chả còn giá trị gì nữa à? Xàm xí hết sức!

Thực ra, đàn bà vốn chẳng cần hơn nhau ở cái gì, chỉ cần cô ta cảm thấy hài lòng, thế là được. Trong "cuộc chiến" này, người chiến thắng không phải người mạnh nhất, mà là người hạnh phúc nhất!".

Đoạn chia sẻ này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người ủng hộ Kim Oanh, cho rằng nên bỏ đi câu nói “hơn nhau ở tấm chồng” vì đôi khi nó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hôn nhân, tâm lý của gia đình. Nhưng cũng có người cho rằng câu nói đó vẫn đúng với một số hoàn cảnh, quan trọng là bản thân người đó nghĩ như thế nào.

Thực tế, quan điểm của Kim Oanh không sai bởi từ xưa đến nay phụ nữ luôn có thói quen phụ thuộc vào đàn ông, đâm ra ngay cả hạnh phúc, tài chính cá nhân cũng không có sự tách biệt. Chưa bao giờ họ thấy bất lực khi mình không kiếm ra tiền, không có tài năng mà đa phần họ đều đổ lỗi rằng chồng mình không bằng chồng người ta, không giỏi kiếm tiền.

Nếu bắt bản thân mình vào cuộc so sánh này thì mãi mãi không bao giờ có hồi kết bởi ở mỗi thời điểm khác nhau, con người ta lại hơn nhau ở những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ đơn giản là chồng hàng xóm kiếm nhiều tiền nhưng lại chẳng thể dành thời gian cho vợ con đi chơi, chồng mình tuy nghèo một chút nhưng khi cần anh ấy vẫn có mặt. Chồng người ta có mua quà nịnh vợ nhiều thật, nhưng anh ta lại cũng là đối tượng của rất nhiều cô gái khác, người vợ lúc nào cũng phải lo giữ. Chồng mình đơn giản chưa chắc là soái ca của mọi người nhưng lại là người quan tâm mình hết mực, dùng hành động để chứng minh.

Đòi hỏi của mình phải bằng của người khác chắc chắn bạn sẽ không thể hạnh phúc. Thời gian đi quan tâm chồng người khác tốt xấu ra sao hãy dành nó để vun đắp và thay đổi khuyết điểm của gia đình mình. Kim Oanh thực sự đụng chạm đến tâm lý của một số chị em nhưng lại chỉ ra được cái thực tế mà mọi người nên nhìn nhận lại một cách chính xác.

Đôi khi cuộc sống hôn nhân phụ thuộc rất nhiều vào tư tưởng, thái độ của cả vợ lẫn chồng, nếu chồng không so sánh hay đòi hỏi một người vợ tốt hơn thì có lý gì vợ lúc nào cũng mang tâm lý đó vào cuộc hôn nhân. Có ai đảm bảo rằng khi các chị kết thúc với hiện tại, tương lai các chị có thể tự tin người sau sẽ hơn?

Vì vậy, mình thấy ổn nó sẽ là ổn, mình thấy nó không ổn thì mình phải lo cho mình, đừng bao giờ mang việc gia đình để so bì với xã hội. Hạnh phúc là do mình tìm kiếm cũng phải do chính tay mình gìn giữ mới lâu bền.

Theo Thế giới trẻ