Cứu người phơi nhiễm HIV, bị từ chối cấp thuốc?

Vì cứu người mà 17 y bác sĩ và 7 người dân bị phơi nhiễm HIV, nhưng đã có trường hợp người dân tố rằng mình bị từ chối cấp thuốc.

Cứu người phơi nhiễm HIV, bị từ chối cấp thuốc?

Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại Kon Tum ngày 30/6. Ảnh: Tuổi trẻ

Mấy ngày qua, mạng xã hội nóng với thông tin người cứu nạn nhân bị nhiễm HIV trong vụ tai nạn ở Kon Tum ngày 30/6 phản ánh khi xin thuốc điều trị phơi nhiễm HIV, bác sĩ trả lời chỉ cấp cho người làm nhiệm vụ, không cấp cho dân thường. Nếu muốn có thuốc ngay thì được bán một liều 5 triệu đồng.

Báo Tuổi trẻ cho biết, trước đó, trong quá trình đưa nạn nhân đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu sau vụ tai nạn trên đường Hồ Chí Minh, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ nên nghi ngờ những người nãy đã bị phơi nhiễm HIV.

Đến thời điểm này, tất cả 24 người bị phơi nhiễm HIV đều đã được Sở Y tế Kon Tum khám và điều trị miễn phí thuốc ARV.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có chỉ đạo, Sở Y tế Kon Tum phải điều tra xác minh làm rõ, ai là người đã có phát ngôn không cấp thuốc cho dân thường, nếu muốn có thuốc thì phải mua với giá 5 triệu đồng/liều để xử lý bởi theo quy định, trong trường hợp bị phơi nhiễm, kể cả y bác sĩ hay người dân đều được uống thuốc miễn phí.

Cộng đồng mạng dù đã yên tâm phần nào bởi toàn bộ những y bác sĩ và người dân tham gia cứu người đều đã được uống thuốc miễn phí, nhưng số đông vẫn cảm thấy xót xa nếu câu trả lời: “không phát miễn phí, phải bỏ tiền mua” kia là thật.

Thấy người bị nạn, người dân đã quên cả nguy hiểm của bản thân xông vào cứu giúp, chẳng may bị phơi nhiễm căn bệnh chết người, thay vì được quan tâm, chăm sóc, có nhân viên y tế nào lại ráo hoảnh yêu cầu bỏ 5 triệu đồng mà mua?

Tình người ở đâu? Đạo lý ở đâu?

Có người viện dẫn chuyện phải làm đúng quy trình. Ai muốn được cấp thuốc miễn phí phải làm đơn trình báo, không ai tự dưng đi cấp thuốc miễn phí rồi bỏ tiền túi ra đền cả.

Than ôi, lại cái chữ “đúng quy trình”!  Bổ nhiệm người nhà vào vị trí ngon để ngồi hưởng lợi cũng “đúng quy trình”, mà không cấp thuốc ngay cho người dân xả thân cứu đồng loại cũng là vì “đúng quy trình”. Cái quy trình nào cũng chỉ do con người đặt ra, vậy tại sao nó lại co giãn, khép mở đúng lúc, đúng nơi như vậy?

Hãy nhớ lại một vụ việc khác cũng gây bất bình cho người dân ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM vài tháng trước đây, chỉ vì những thủ tục hành chính “đúng quy trình” mà 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư phải tiêu hủy vì hết hạn sử dụng gây lãng phí hàng chục tỷ đồng, trong khi người bệnh thì không có thuốc dùng, chờ thuốc như nắng hạn chờ mưa.

Đó cũng là một thứ quy trình gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng tất cả các bên liên quan đều cho rằng mình làm đúng quy trình nên không ai nhận trách nhiệm. Vụ việc cuối cùng có xu hướng “hòa cả làng” vì tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Lại cũng vừa có 1 ví dụ khá buồn, đó là bác sĩ Hoàng Công Lương, vừa bị bắt tạm giam sau vụ tai biến y khoa làm 8 người chết ở BV đa khoa Hòa Bình. Bác sĩ Lương phải chịu trách nhiệm cho những thứ mà bác sĩ không thể can thiệp, đó là chất lượng nguồn nước đầu vào chạy thận. 

Quy trình trong ngành y, chắc chắn điều quan trọng nhất là cứu người và cứu người, tính mạng bệnh nhân phải được đặt lên cao nhất. Vậy thì nếu có nhân viên y tế nào trả lời người dân tham gia cứu người để rồi bị phơi nhiễm HIV là “muốn có thuốc thì phải mua” thì người ấy liệu có còn xứng đáng là nhân viên ngành y?

Không có thứ quy trình nào được phép đặt lên trên tình người và đạo lý, ấy là chưa kể đã có quy định người bị phơi nhiễm HIV khi cứu người không kể là nhân viên y tế hay dân thường đều được sử dụng thuốc miễn phí.

Đừng để những hành vi cứng nhắc và vô cảm làm tàn lụi tình người và lòng nhân ái vốn đang dần hiếm hoi trong xã hội.

Theo baodatviet