Cuộc hôn nhân nghìn tỷ và sự toan tính của Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương

Cuộc hôn nhân nghìn tỷ giữa Hoàng Anh Gia Lai và Thaco như một giải pháp giúp cả Bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương đạt được mục đích của mình. Bầu Đức thì có tiền để giải quyết nợ nần, có tiền đẩy mạnh những dự án nông nghiệp, còn tỷ phú Trần Bá Dương thì có thể mở rộng lĩnh vực bất động sản ra nước ngoài...

Cuộc hôn nhân nghìn tỷ và sự toan tính của Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương

Hợp tác chiến lược giữa Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Thaco được Thủ tướng đánh giá là một cuộc hôn nhân "môn đăng hộ đối" (Ảnh: I.T)

Thaco thay HAGL diễn “vai chính” ở Myanmar?

Sau nhiều cố gắng thương thảo, Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) do tỷ phú Trần Bá Dương làm chủ tịch và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm chủ tịch đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược thông qua việc Thaco sẽ mua một lượng lớn cổ phần và trái phiếu chuyển đổi tại 2 công ty con quan trọng của HAGL là công ty nông nghiệp HAGL Agrico và khu phức hợp của HAGL tại Myanmar.

Theo Bầu Đức, Thaco đã bỏ ra 7.800 tỷ đồng đầu tư vào Tập đoàn. Trong đó, tại HAGL Agrico (HNG), Thaco tỷ phú Trần Bá Dương rót vốn thông qua Hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi HAGL Agrico chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoản nợ trên) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, theo đó Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico.

Tại dự án bất động sản, Thaco và Đại Quang Minh của tỷ phú Trần Bá Dương đã đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% vốn HAGL Myamar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Trong đó, Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án này và đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 để sớm hoàn thành theo cam kết với Chính phủ Myanmar, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Cuộc hôn nhân nghìn tỷ và sự toan tính của Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương

Khách sạn do HAGL xây dựng tại Myanmar

Có Thaco và Đại Quang Minh của tỷ phú Trần Bá Dương hỗ trợ 7.400 tỷ đồng, HAGL Myanmar dự sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đây là tổ hợp lớn gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp, bao gồm 10 tòa nhà 27 tầng nằm trên diện tích 8ha tại trung tâm thành phố Yangon. Đây là dự án lớn có tổng mức đầu tư 440 triệu USD, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, dự án gồm 2 tòa nhà văn phòng diện tích 80.000 m2, 1 trung tâm thương mại có diện tích 36.000 m2 và 1 khách sạn 5 sao do Tập đoàn Melia quản lý với 420 phòng đã đi vào hoạt động. Văn phòng cho thuê đã khai thác trên 60% diện tích, trung tâm thương mại lấp đầy 100% diện tích, khách sạn 5 sao Melia đạt công suất phòng trung bình 50-60 %. Giai đoạn 1 của dự án đã hoạt động rất hiệu quả, tạo doanh thu hàng năm cao, chỉ riêng năm 2017 là 50 triệu USD.

Về giai đoạn 2, dự án gồm 1.000 căn hộ cao cấp với tổng diện tích 140.000 m2 sàn xây dựng, 2 block văn phòng cho thuê diện tích 80.000 m2 và 1 trung tâm thương mại diện tích 40.000 m2. Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện phần móng cọc và dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 4.2020.

Bầu Đức tham vọng trồng dược liệu

Nói về cơn bĩ cực của HAGL, Bầu Đức cho biết sau thời gian mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn trái với diện tích lên đến 12.000 ha, Công ty đã bắt đầu thu hoạch và xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm. Mặc dù có tín hiệu khả quan nhưng HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.

Và sau khi kêu gọi hợp tác vốn từ Thaco, chiến lược cho thời gian tới, hai bên dự sẽ đưa HAGL Agrico thành một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung, dựa trên quỹ đất hơn 80.000 ha của HAGL nằm tại khu tam giác phát triển bao gồm Tây Nguyên (Việt Nam), Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Ngoài số vốn ban đầu bỏ ra để sở hữu cổ phần, theo lộ trình tỷ phú Trần Bá Dương cam kết sẽ tái cơ cấu khoản nợ 14.000 tỷ đồng nợ của HAGL. Như vậy, tổng số tiền Thaco đầu tư vào HAGL vượt mức 22.000 tỷ đồng.

Cuộc hôn nhân nghìn tỷ và sự toan tính của Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương

Hết bất động sản, nuôi bò, trồng mía, trồng chuối, chanh leo, giờ đây bầu Đức tiếp tục lấn sân sang trồng cây dược liệu nhiệt đới

Trong chiến lược phát triển dài hạn đã được HAGL và Thaco thống nhất, bên cạnh cây công nghiệp, ăn trái, gia vị... HAGL Agrico sẽ trồng thêm cây dược liệu nhiệt đới.

Giai đoạn 2019-2020, từ 12.000 ha cây ăn trái hiện nay sẽ tăng lên 30.000 ha với những cây chiến lược như chuối, thanh long, bưởi da xanh... Trong đó, chuối có diện tích 10.000 ha, thanh long 3.000 ha, xoài 4.500 ha, mít 4.000 ha, bưởi da xanh 3.000 ha, nhãn 1.000 ha, bơ 500 ha và các loại cây khác như cam, quýt, sầu riêng…

Về cây dược liệu, HAGL Agrico sẽ đầu tư trồng 5.000 ha cây dược liệu phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống.

Về cây cao su, Tập đoàn sẽ duy trì chăm sóc và khai thác mủ trên diện tích khoảng 40.000 ha. Mặc dù hiện tại giá mủ cao su thấp nhưng Bầu Đức rất có niềm tin chu kỳ tăng giá trở lại, ngoài ra khi cây cao su đạt độ tuổi từ 15 năm trở lên thì có thể khai thác gỗ mang lại giá trị kinh tế rất cao.

Cuộc hôn nhân nghìn tỷ và sự toan tính của Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương

Doanh thu từ các mảng của HAGL năm 2017

Song song với đó, HAGL Agrico cũng sẽ đầu tư chế biến sâu sau thu hoạch để gia tăng giá trị sản phẩm và đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm cho thị trường.

Đối với việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, HAGL Agrico kế hoạch ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel rất hiệu quả. Tập đoàn tương lai hướng dần đến tự động hóa tất cả các khâu sản xuất từ làm đất, trồng cây, làm cỏ, thu hoạch, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch... HAGL Agrico đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến hiện đại tạo ra các sản phẩm từ trái cây với chất lượng cao như nước ép trái cây cô đặc, sấy khô, cấp đông... để xuất khẩu, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Gót chân Asin” của bầu Đức

Dù kết quả kinh doanh của HAGL gần đây đã được cải thiện ít nhiều, song rủi ro tiềm ẩn, những góc tối trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp này vẫn là mối lo ngại với những nhà đầu tư.

Theo BCTC hợp nhất quý II.2018 của HAGL, tiền mặt tại quỹ và các khoản tương đương tiền của HAGL tại thời điểm 30.6.2018 đạt 230,33 tỷ đồng, chiếm 0,41% tổng tài sản doanh nghiệp, tăng so với mức 0,26 % ở thời điểm 31.12.2017.

Cuộc hôn nhân nghìn tỷ và sự toan tính của Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương

Các khoản phải thu của HAGL

Trong khi đó, giá trị các khoản nợ ngắn hạn ở mức 13.673,2 tỷ đồng, tăng 10,46% sau 6 tháng. Theo tính toán, cứ 59,3 đồng vay ngắn hạn của HAGL chỉ được đảm bảo thanh toán bởi 1 đồng tiền mặt. Đây là một dấu hiệu cho thấy thanh khoản của HAGL đang trong tình trạng khó khăn.

Tổng các khoản phải thu của HAGL là hơn 15.626,3 tỷ đồng, chiếm 28,35% giá trị tổng tài sản, giảm nhẹ so với cuối năm 2017. Trước đó, ở thời điểm 31.12.2017, trong khi tốc độ tăng trưởng của tài sản sau 1 năm của HAGL là khoảng 2,22% thì tốc độ tăng của các khoản phải thu nhanh hơn 11 lần so với tốc độ tăng của tổng tài sản.

Ngoài ra, tài sản dài hạn của HAGL nằm phần lớn là chi phí dở dang hơn 16.609 tỷ đồng bao gồm chi phí phát triển vườn cây cao su hơn 6.090 tỷ đồng, chi phi phát triển vườn cây cọ dầu 3.441 tỷ đồng, nhà máy thủy điện gần 3.380 tỷ đồng. Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – JMG ghi nhận chi phí 60 tỷ đồng.

Về nợ phải trả, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và công ty liên quan đang là chủ nợ lớn nhất của HAGL. Cụ thể, HAGL đang nợ BIDV và công ty có liên quan tổng cộng hơn 9.223 tỷ đồng chiếm khoảng 40% tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này hiện nay.

Trong đó, 376,3 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.971 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành.

Sacombank cũng là chủ nợ lớn của HAGL khi doanh nghiệp này vay dài hạn của Sacombank 2.770 tỷ đồng và ngắn hạn 58,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng khác cũng là chủ nợ lớn của Bầu Đức. Như HDBank cũng đang cho HAGL vay dài hạn hơn 1.495 tỷ đồng; ngân hàng Liên doanh Lào Việt (chi nhánh Attapeu) cho vay 1.397 tỷ đồng dài hạn và 374,6 tỷ đồng ngắn hạn; TPBank cũng cho vay 1.229 tỷ đồng dài hạn và 299,6 tỷ đồng ngắn hạn; ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia cho vay 19,3 tỷ đồng dài hạn và 35,1 tỷ đồng ngắn hạn

Tính đến 30.6.2018, tổng nợ HAGL ghi nhận 36.851 tỷ đồng, trong đó nợ vay cả ngắn và dài hạn chiếm hơn 23.161 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, HAGL báo doanh thu thuần 2.921 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ hơn 11 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 411 tỷ đồng.

Theo DanViet