Cứ 10 khách quốc tế đến Việt Nam thì có 3 người từ Trung Quốc

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao kỷ lục và đạt 12,9 triệu lượt trong năm 2017, trong đó, khách Trung Quốc có tỷ lệ lớn nhất, với trên 4 triệu lượt, chiếm 30%.

Nói cách khác, cứ 10 khách đến Việt Nam năm qua thì có 3 người từ Trung Quốc.

Khách du lịch đến từ Trung Quốc đã tăng rất nhanh chỉ sau 1 năm. Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2017 đã tăng gấp rưỡi (48,6%). Riêng trong tháng 12/2017, Việt Nam đã đón 414.000 khách Trung Quốc, tăng gần gấp đôi tháng 12/2016.

Xếp thứ 2 là khách Hàn Quốc. Lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam năm qua đạt 2,4 triệu lượt, tăng 56% so với 2016 (1,54 triệu lượt).

Trong năm 2017, khách châu Á vẫn chiếm phần lớn trong số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, với khoảng 9,8 triệu lượt, chiếm 76% tổng lượng khách.

Cứ 10 khách quốc tế đến Việt Nam thì có 3 người từ Trung Quốc

Bên cạnh khách châu Á chiếm phần lớn, lượng khách đến từ các quốc gia châu Âu, châu Mỹ năm qua cũng tăng khá như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Canada...

Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có 10,9 triệu lượt đến bằng đường hàng không, 259.000 lượt bằng đường biển và khoảng 1,75 triệu lượt bằng đường bộ.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lữ hành năm 2017 ước đạt 36.000 tỷ đồng, chiếm 0,9 GDP cả nước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng đạt 495.000 tỷ đồng. Một số địa phương tăng thu khá từ du lịch như Khánh Hòa (tăng 24%), Quảng Ninh (18%); Hà Nội và TP.HCM là 10%.

Theo zing

----------------

Xem thêm:

Nhà nghỉ từ chối khách Trung Quốc vì hộ chiếu in 'lưỡi bò'

Khi xem hộ chiếu của hai khách nữ người Trung Quốc, và nhìn thấy “đường lưỡi bò”, anh Huy Dũng - làm việc tại một nhà nghỉ ở Đà Nẵng - đã từ chối cho thuê phòng.

Sự việc xảy ra ngày 16/7. Hai du khách người Trung Quốc đặt nhà nghỉ thuộc dạng gia đình trên website. Chỉ vài chục phút sau khi đặt, họ đã xuất hiện tại nhà nghỉ để xin nhận phòng. Anh Huy Dũng, cho biết: “Tôi chưa kiểm đơn đặt phòng, họ đã xuất hiện. Tôi yêu cầu được xem hộ chiếu”. 

Hai khách Trung Quốc đưa giấy thông hành, và cuốn hộ chiếu (Hải quan cửa khẩu Việt Nam không đóng dấu vào hộ chiếu này). Anh Dũng kiểm tra và thấy “đường lưỡi bò” được in trong hộ chiếu. “Vừa nhìn thấy, tôi chỉ tay vào vị trí có hình lưỡi bò, và nói cái này không đúng. Họ ngập ngừng vài giây, sau đó tức tối rời khỏi nhà nghỉ”. 

Trao đổi với Zing.vn, anh Dũng cho biết, anh phụ trông coi nhà nghỉ của gia đình. “Nhà nghỉ kinh doanh quy mô nhỏ, thỉnh thoảng có khách Tây, còn khách Trung Quốc chỉ tới khoảng 2-3 lần. Họ nói được tiếng Anh nhưng không nói, chỉ sử dụng tiếng Trung. Họ mang theo trà nước... để dùng”.

Khi được hỏi có e ngại hành động từ chối khách sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, anh Dũng cho biết không nhất thiết phải nhận khách Trung Quốc, vì họ chiếm tỷ lệ rất thấp trong lượng khách thu nhập của nhà nghỉ.

“Tôi nghĩ hành động không nhận khách Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện, để tỏ rõ cho họ thấy rằng người Việt Nam có thái độ và hành động cụ thể. Gia đình tôi kinh doanh nhỏ nên làm theo kiểu nhỏ, còn những khách sạn lớn hơn sẽ có cách riêng để không ảnh hưởng đến việc làm ăn”, anh Huy Dũng chia sẻ. 

Sau khi Toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trong vụ kiện với Phillipines, ngày 12/7, Trung Quốc vẫn tiếp tục bác bỏ phán quyết vụ kiện Biển Đông. Lãnh đạo Bắc Kinh vẫn khẳng định cái gọi là “chủ quyền” với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời ngang ngược cho rằng các việc làm của Bắc Kinh “hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Nhiều người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phản ứng với “đường lưỡi bò” phi pháp.

Đà Nẵng là thành phố đón rất nhiều khách Trung Quốc đến du lịch và có nhiều động thái rõ rệt. Nhiều cửa hàng ở đây còn treo bảng từ chối nhận đồng nhân dân tệ. Trước đó, tại Đà Nẵng cũng xảy ra tình trạng hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam, nói rằng biển Đà Nẵng vốn thuộc về Trung Quốc.

Theo Thảo Nghi/newszing