Con có dấu hiệu nhìn mờ, bố mẹ ngã ngửa khi biết nguyên nhân

Thấy con có biểu hiện mắt nhìn mờ, bé N. 18 tháng tuổi (Hải Phòng) được bố mẹ đưa đi khám. Họ bất ngờ khi bác sĩ nói con mình bị "đục thuỷ tinh thể", căn bệnh mà lâu nay cứ nghĩ chỉ có ở người cao tuổi.

Mắt lác do bị... đục thuỷ tinh thể

Hai tháng trở lại đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường mới, các bệnh nhân mắc bệnh về mắt tới các bệnh viện thăm khám tăng mạnh, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Có em nhìn mờ đi khám thì được phát hiện là bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc do từng có chấn thương ở mắt mà bố mẹ không biết để điều trị triệt để cho trẻ.

Theo BS Vũ Thị Thanh - nguyên Giám đốc BV Mắt Hà Nội: Đục thủy tinh thể là tình trạng có một bóng mờ trên thủy tinh thể. Bóng mờ này ngăn cản ánh sáng đến võng mạc và khiến hình ảnh bị nhòe, mờ. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi do sự thoái hóa. Tuy nhiên, một số bé bị bệnh bẩm sinh hoặc bắt đầu phát triển bệnh khi còn rất nhỏ. Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt. Khi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, trẻ có biểu hiện thị lực giảm, thường quờ quạng. Thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ đục thuỷ tinh thể. 

Đục thủy tinh thể cũng bắt đầu thường gây loá mắt, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thủy tinh dưới bao sau. Mắt nhìn gần tốt hơn so với trước đó (mắt bị đục thủy tinh thể ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên).

con-co-dau-hieu-nhin-mo-bo-me-nga-ngua-khi-biet-nguyen-nhan

Trẻ cần được đi khám ngay khi có các vấn đề liên quan đến mắt. Ảnh minh hoạ

Theo BS Thanh, trong nhiều trường hợp, lác mắt là một trong các lý do khiến bệnh nhi đi khám bệnh, nguyên nhân là do đục thủy tinh thể, mắt đó bị nhược thị và lác. Khi có các biểu hiện này, bệnh nhi cần được khám chuyên khoa mắt để xác định chẩn đoán và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân, các xét nghiệm chuẩn bị cho cuộc mổ và các xét nghiệm đánh giá chức năng của mắt như đo thị lực, nhãn áp, điện võng mạc. Siêu âm mắt là một xét nghiệm không thể thiếu giúp chẩn đoán và tiên lượng kết quả phẫu thuật. Về nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể bẩm sinh, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, đa số bệnh nhân không tìm thấy nguyên nhân cụ thể mà có thể là di truyền, do nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp với các bệnh lý toàn thân.

 Vì vậy, để phát hiện sớm chứng bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, mọi người có thể căn cứ vào các dấu hiệu như mắt không có ánh hồng; khi chiếu đèn vào và soi thấy có ánh trắng trong mắt. Khi thấy đồng tử của 1 hoặc 2 mắt trẻ xuất hiện đốm mây trắng; trong gia đình có tiền sử có người bị rối loạn di truyền, có thể gây đục thủy tinh thể thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt. 

Gia tăng tình trạng bệnh lý về mắt ở trẻ em

Thông tin tại hội thảo khoa học cập nhật các kỹ thuật triển khai các bệnh về mắt diễn ra ngày 27/5 tại Hà Nội cho thấy: Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, trong đó nguyên nhân hàng đầu là bệnh đục thủy tinh thể.

Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong lứa tuổi thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 30-40% trên cả nước. Đây là những con số đáng báo động các bệnh về mắt trong những năm gần đây.

Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết hai tháng trở lại đây, những bé có dấu hiệu nhìn mờ được phụ huynh đưa tới viện thăm khám mắt nhiều hơn, cao hơn hẳn so cùng kỳ của những năm trước. Bệnh nhân là học sinh mắc mới tật khúc xạ chiếm tới 60% tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện.

Bác sĩ Quỳnh cũng lưu ý có những trẻ trước kia chỉ cận 1 độ, nhưng sau đợt dịch Covid-19 với việc học online ở nhà nhiều, trẻ xem ti-vi và máy tính nhiều và không đi thăm khám định kỳ, khi tới viện độ cận đã tăng lên 2-3 độ là điều rất đáng tiếc.

"Đây cũng là một cảnh báo tới lứa tuổi học sinh. Các phụ huynh khi có trẻ mắc tật khúc xạ nên 6 tháng một lần để có thể kiểm soát các chỉ số cận của mắt, tránh tình trạng gia tăng số hoặc đeo kính không đúng số sẽ gây hại cho mắt", bác sĩ Quỳnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với những người cao tuổi, ngoài ra các bệnh lý về đáy mắt như võng mạc đái tháo đường, võng mạc cao huyết áp, thoái hoá hoàng điểm, tắc tĩnh mạch võng mạc, bong võng mạc… ngày càng gia tăng, trở thành nguyên nhân gây giảm, mất thị lực và mù loà hàng đầu nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời.

Các bệnh lý đáy mắt thường làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến họ gặp nhiều khó khăn, hạn chế năng lực và sự độc lập trong cuộc sống, tạo gánh nặng cho xã hội.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo để phát hiện kịp thời bệnh lý đáy mắt, bệnh nhân cần tới viện ngay khi có những bất thường về mắt như đột ngột như nhìn mờ, chấm đen, chớp sáng, méo hình, khó đọc sách hoặc làm những việc chi tiết thì cần đi khám ngay để kịp thời phát hiện các bệnh lý đáy mắt.

Theo đó, các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác bệnh lý, tiên lượng được những biến chứng có thể xảy ra và đánh giá được quá trình tiến triển bệnh nếu bệnh nhân được theo dõi thường xuyên. Sau đó, tùy từng bệnh lý, bệnh nhân sẽ được chỉ định hướng điều trị phù hợp.

Dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đã mắc phải đục thủy tinh thể bao gồm:

- Thị lực kém: bạn có thể nhận thấy trẻ khó khăn trong việc nhận biết người xung quanh, các đồ vật bằng đôi mắt của chúng.

- Trẻ cảm thấy chói mắt khi nhìn ra ánh nắng hoặc bóng đèn sáng.

- Mắt chuyển động nhanh không kiểm soát được (rung giật nhãn cầu)

- Mắt lác: nhìn vật không đúng theo hướng nhìn.

- Tròng đen của mắt có màu trắng hoặc xám.

Theo các bác sĩ, đục thuỷ tinh thể do bẩm sinh ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện ngay sau khi sinh, hoặc tiến triển trong những năm đầu của cuộc đời. Bệnh chủ yếu có 2 nguyên nhân chính, một là do di truyền (khoảng 10 - 25%), hai là nhiễm khuẩn trong thời kỳ người mẹ thai nghén, đặc biệt là các bệnh do virut (rubeon, herpes, cúm, quai bị...). Nó có thể xảy ra một cách tự nhiên và không kèm với một bệnh nào khác hoặc trong các hội chứng.

Đục thuỷ tinh thể này có thể xảy ra ở 1 mắt hoặc cả 2 mắt của trẻ. Bên cạnh đó, bệnh này do bị các bệnh tại mắt như viêm màng bồ đào, glôcôm, bong võng mạc, u nội nhãn... hoặc do các bệnh toàn thân như đái tháo đường, bệnh galactoza huyết, têtani, bệnh da...

Ngoài ra đục thuỷ tinh thể còn do chấn thương: vết thương xuyên thường gây nên đục thuỷ tinh thể ở 1 mắt ở trẻ em. Một số dạng đục này tiến triển từ từ sau hàng tuần hoặc nhiều tháng, dạng khác xuất hiện ngay trong lúc bị chấn thương.

Theo GiaDinh