Có thể thủng màng nhĩ, tiêu xương, điếc, rối loạn ngôn ngữ vì bị đau tai bất thường

75% trẻ em từng bị đau tai bất thường, nguy hiểm là bệnh có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương... ảnh hưởng đến sức nghe và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ của trẻ. Cha mẹ cần phải hiểu rõ về căn bệnh này, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra với con mình.

Nguy hiểm từ viêm tai giữa

Bé Nhím 3 tuổi, con gái của chị Ngô Thu Hoài (Hà Nội), đang ngủ ngon bỗng khóc thét lên khiến vợ chồng chị choàng tỉnh. Nhím kêu bị đau tai quá. Chị Hoài lật đật dậy lấy nước muối sinh lý nhỏ vào tai, rồi dỗ con ngủ tiếp, sáng mai đi viện. Nhưng chỉ được một lúc bé Nhím lại khóc ầm lên vì quá đau tai, khiến vợ chồng chị phải gấp gáp đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, sau một hồi hỏi han, bác sĩ soi tai và kết luận bé bị viêm tai giữa.

co-the-thung-mang-nhi-tieu-xuong-diec-roi-loan-ngon-ngu-vi-bi-dau-tai-bat-thuong

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, 75% trẻ em từng ít nhất một lần bị bệnh viêm tai giữa. Viêm tai giữa có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả là ở trẻ nhỏ (có đến khoảng 17 – 18% trẻ lên 3 tuổi bị viêm tai giữa, tỷ lệ này với trẻ trong độ tuổi 3 – 5 tuổi là khoảng 9%.

Viêm tai giữa ở trẻ có thể là tình trạng viêm tai giữa cấp, hoặc mạn tính.

Viêm tai giữa cấp là tình trạng nhiễm trùng tại tai giữa, bệnh thường xuất hiện sau viêm nhiễm hô hấp trên, rất hay gặp ở trẻ 6 – 18 tháng tuổi.

Điều nguy hiểm là viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ.

Theo các bác sĩ, viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em là tình trạng viêm nhiễm mạn tính không chỉ trong khoang tai giữa mà còn lan đến sào bào, thượng nhĩ và xương chũm, thời gian chảy mủ tai đã kéo dài trên 3 tháng. Viêm tai giữa mạn tính có thể là dạng viêm mủ hoặc tiết nhầy mủ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).

co-the-thung-mang-nhi-tieu-xuong-diec-roi-loan-ngon-ngu-vi-bi-dau-tai-bat-thuong

Ai cũng có thể mắc viêm tai giữa, gây đau đớn, có thể sốt nhẹ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần phải hiểu rõ về căn bệnh này, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra với trẻ

Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức chống chịu còn kém nên các yếu tố gây bệnh điển hình là vi khuẩn, vi rút rất dễ xâm nhập gây viêm. Cấu trúc tai của trẻ có đặc điểm ngắn hơn, rộng hơn và nằm ngang so với người trưởng thành. Vì vậy mà chất lỏng từ cổ họng và tai ngoài có vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào tai giữa gây viêm.

Trẻ nhỏ cũng có thể bị viêm tai giữa do biến chứng của một số bệnh lý tai mũi họng không được xem xét điều trị đúng như viêm amidan, viêm VA, viêm xoang…

Viêm tai giữa cấp không được điều trị tích cực ngay từ sớm dễ chuyển sang mạn tính, gây đau, chảy dịch tai, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.

Viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ, xơ cứng khớp giữa các xương con… ảnh hưởng đến sức nghe, có thể gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ chưa nói sõi, còn dẫn đến những biến chứng nặng như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch, liệt dây thần kinh mặt.

co-the-thung-mang-nhi-tieu-xuong-diec-roi-loan-ngon-ngu-vi-bi-dau-tai-bat-thuong

Cha mẹ chú ý phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ.

Chú ý phòng bệnh cho trẻ

Cha mẹ cần chú ý phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ. Cụ thể:

- Điều trị sớm các chứng bệnh viêm nhiễm tại mũi họng, giải quyết các ổ viêm vùng mũi xoang, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi…

- Vệ sinh mũi họng đúng cách, không lạm dụng nước muối sinh lý bơm rửa mũi vì rất dễ đẩy dịch ở mũi vào tai gây viêm.

- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, học tập, vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý…

Điều trị viêm tai giữa khá phức tạp, cha mẹ không nên chủ quan với bệnh này vì rất dễ tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của trẻ. Do đó khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường ở tai, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chẩn đoán, điều trị đúng cách.

Bố mẹ phải biết triệu chứng viêm tai giữa

• Viêm tai giữa thường xuất hiện sau chứng cảm cúm. Nước mũi thường chuyển từ không màu sang vàng hoặc xanh trước khi nhiễm trùng tai xuất hiện.

• Trẻ nhỏ hay sơ sinh thường có biểu hiện quấy khóc nhiều

• Trẻ kêu đau tai hoặc không nghe được

• Có thể sốt nhẹ

• Thấy chảy dịch từ tai như có máu và mủ…

Theo GiaDinh