Có hay không khẩu trang vải kháng khuẩn diệt được khuẩn?

Có ý kiến cho rằng, chưa có tiêu chuẩn cụ thể xác định khẩu trang vải kháng khuẩn có khả năng diệt khuẩn..

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý kháng khuẩn cho vải đã được nhiều doanh nghiệp dệt may ứng dụng trong sản xuất vải theo yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế. Với điều kiện thiết bị hiện tại, nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện để triển khai sản xuất vải kháng khuẩn.

co-hay-khong-khau-trang-vai-khang-khuan-diet-duoc-khuan

Hiện chưa có tiêu chuẩn TCVN về khẩu trang vải kháng khuẩn, việc doanh nghiệp quảng cáo khẩu trang vải diệt khuẩn đang gây nhiều thắc mắc cho người tiêu dùng. 

Theo chuyên gia Viện nghiên cứu Dệt may Việt Nam, hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% khuẩn sau 1h tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng).

Chủng loại các chất kháng khuẩn sử dụng để sản xuất vải kháng khuẩn tại Việt Nam rất phong phú, bao gồm các chất kháng khuẩn tổng hợp và các chất kháng khuẩn tự nhiên. Hầu hết các chất kháng khuẩn tổng hợp sử dụng trên hàng dệt may đều là chất diệt khuẩn, có hoạt tính diệt khuẩn mạnh, có thể ứng dụng theo các phương pháp khác nhau, hiệu quả trên các loại xơ, sợi.

Các chất kháng khuẩn được sử dụng nhiều trong sản xuất vải kháng khuẩn tại Việt Nam có thể kể đến như Silvadur 930 FLEX antimicrobial (Dow), Ruco-Bac AGL, Guc-BAC AGP (Rudolf group), Ablusil Q-Guard (Taiwan surfactant), sanitized TH22-27 (Clariant), Agion® AM-B10G (Agion) và chế phẩm từ Chitosan.

Trước tình trạng dịch bệnh, nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch lên cao, đã có doanh nghiệp cho ra mắt khẩu trang vải kháng khuẩn và được người dân đón nhận. Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ cho rằng khẩu trang vải kháng khuẩn được quảng cáo diệt khuẩn chỉ là quảng cáo, sự thật thế nào?

Chia sẻ với báo chí, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, việc doanh nghiệp quảng cáo khẩu trang vải kháng khuẩn diệt khuẩn là không có cơ sở. Hiện nay chưa có tiêu chuẩn quốc gia về khẩu trang vải kháng khuẩn ngăn ngừa vi khuẩn. Còn theo PGS-TS Bùi Mai Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật dệt may Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, khẩu trang vải dệt thoi, dệt kim khi được tẩm hợp chất kháng khuẩn thì có thêm tác dụng phòng bệnh, phòng virus. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn khẩu trang kháng khuẩn có tác dụng phòng virus, diệt khuẩn hay không, cần có văn bản hướng dẫn về quy trình sản xuất, quy cách khẩu trang, độ dày mỏng, chất liệu.... tức là phải có tiêu chuẩn cụ thể. 

Theo đại diện của Viện nghiên cứu Dệt may Việt Nam, hiện nay, chất lượng vải kháng khuẩn phục vụ sản xuất khẩu trang vải cần đáp ứng các yêu cầu chứng nhận hợp quy theo QCVN 01/BCT: 2017 và có khả năng diệt khuẩn ≥ 90% thử nghiệm theo tiêu chuẩn AATCC 100: 2012.

Tại Việt Nam, hiện chưa có tiêu chuẩn quốc gia TCVN cho khẩu trang vải kháng khuẩn nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7312: 2003 về phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp - khẩu trang có tấm lọc bụi (khẩu trang vải) và bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389:2010 về Khẩu trang y tế, gồm: Khẩu trang y tế thông thường; Khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất. Trong đó, khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn có tác dụng ngăn cản và diệt 99,9% vi khuẩn ngay trên bề mặt khẩu trang; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất có tác dụng lọc khí độc và hơi độc, tạo luồng khí sạch sau khi đi qua lớp lọc than hoạt tính; Khẩu trang y tế thông thường áp dụng cho khẩu trang y tế đã tiệt khuẩn và không tiệt khuẩn.

Tại buổi làm việc liên bộ giữa Bộ Y tế, Công Thương và Khoa học và Công nghệ diễn ra chiều 10/2, Bộ Y tế cũng đã giao cho Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng khuẩn và sẽ sớm trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, ban hành.

Theo VietQ