Cổ đông yêu cầu Chủ tịch HĐQT PNC từ chức

Mang một cái tên đầy “văn hóa” thế nhưng những gì vừa diễn ra tại CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) trong thời gian vừa qua đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với những cổ đông của mình. Điều đó thể hiện rõ khi một số cổ đông yêu cầu Chủ tịch HĐQT PNC Phan Thị Lệ từ chức.

Chủ tịch HĐQT PNC xem thường cổ đông

Cổ đông yêu cầu Chủ tịch HĐQT PNC từ chức
Chân dung bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC.

Bất chấp sự phản ứng gay gắt của cổ đông, bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC phớt lờ ý kiến thông qua điều lệ của chương trình đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015. Nhiều cổ đông cho rằng, việc bỏ qua chương trình đại hội vì bà Lệ lo ngại các cổ đông sẽ đề xuất bổ sung nội dung về việc bãi nhiệm HĐQT vì kết quả kinh doanh yếu kém.

Nhìn lại thời gian trước đó không lâu, ĐHCĐ thường niên của PNC tổ chức lần đầu bị thất bại do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ số phiếu biểu quyết. Trong khi bà Phan Thị Lệ, phát biểu rằng các cổ đông đã không tôn trọng công ty, thì đại diện của một số cổ đông vắng mặt lại chia sẻ chính do Chủ tịch HĐQT không tôn trọng các cổ đông, không thực thi các yêu cầu mà cổ đông đã gửi bằng văn bản nên họ không tham dự để HĐQT có thời gian bổ sung nội dung chương trình cho đại hội.

Tại ĐHCĐ, khi ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc PNC báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014, đại diện cổ đông lớn - ông Vũ Cao Trung cho rằng khoản lợi nhuận trước thuế gần 2,8 tỷ đồng năm 2014 không phản ánh đúng thực tế, bởi quý 1 và quý 2 đều lỗ, quý 3 nhờ vớ được khoản tiền 600.000 USD hỗ trợ từ đối tác Hàn Quốc là Tập đoàn CJ giúp PNC chuyển lỗ thành lãi.

Đồng thời, ông Trung cho rằng nếu hạch toán đúng, PNC phải lỗ 11,2 tỷ đồng trong năm 2014 chứ không có lợi nhuận như báo cáo và phải hủy niêm yết bắt buộc do đã lỗ liên tiếp 2 năm trước đó.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Lệ, ông Trung nói vậy là xuyên tạc, vu khống ban điều hành. “Mọi việc chúng tôi làm đều chứng tỏ là những quyết sách đúng, mang lại lợi ích cho công ty. Tới nay ban điều hành không làm gì sai và nếu có thì cơ quan chức năng đã làm việc rồi”, bà Lệ nói.

Cũng trước vấn đề này, một cổ đông khác bức xúc cho rằng: “ĐHCĐ diễn ra để cổ đông mổ xẻ vấn đề này nhưng tôi nhận thấy ban điều hành có ý phớt lờ vấn đề này. Tiền là của chúng tôi đầu tư, đầu tư vào đây không phải để làm từ thiện mà là để có lợi nhuận, vì vậy tôi đề nghị ban HĐQT cần có định hướng khác. Nếu anh chị cảm thấy khó quá thì đừng làm nữa, hãy để cho người khác lên làm, bởi nó ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông”.

“Tung hỏa mù” từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Cổ đông yêu cầu Chủ tịch HĐQT PNC từ chức
Cổ đông nữ cho rằng PNC đã làm sai quy định, yêu cầu làm theo thể lệ của chương trình đại hội nhưng chỉ nhận lại được sự phớt lờ của vị Chủ tịch HĐQT.

Liên quan tới vấn đề công bố thông tin của PNC, dường như vấn đề càng lộ rõ khi cổ đông tiếp tục bức xúc về việc chào bán 10 triệu cổ phiếu lẻ, tương đương 110 tỷ đồng cho đối tác chiến lược là CTCP Xuất nhập khẩu Bình Tây (Bitex) gây thiệt hại 20 tỷ đồng cho cổ đông.

Đặc biệt, vấn đề này đã không được báo cáo trong đại hội. Cổ đông cho rằng, PNC đã vi phạm nghiêm trọng trong quy định về luật và điều lệ công ty, đồng thời việc phát hành này chưa thành công, vì sao không đưa ra xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho HĐQT? Cổ đông đề nghị HĐQT bãi bỏ việc phát hành.

Đứng trước vấn đề này, bà Phan Thị Lệ cho biết, việc phát hành vừa quyết định ngày trước đó một ngày nên chưa kịp báo cáo đại hội, sau này HĐQT sẽ có văn bản gửi tới cổ đông sau khi chào bán. Ông Ngọc Bích, thành viên HĐQT đồng thời là luật sư bổ sung thêm ý kiến, việc quyết định bán cổ phần là tìm đối tác và giá bán, chứ việc chào bán chưa hoàn tất vì còn phải làm hợp đồng.

Nhiều cổ đông có uy tín lớn trên thị trường tài chính như ông Phạm Uyên Nguyên (nguyên Giám đốc Quỹ VOF thuộc Vinacapital, đang là thành viên HĐQT PNC), Nguyễn Tuấn Quỳnh (thành viên HĐQT PNJ, SFC và PNC), Nguyễn Xuân Hàn (Chủ tịch HĐQT Maseco) đã đứng lên “đối chất” tay đôi với bà Phan Thị Lệ. Đại hội gần như mất kiểm soát khỏi tay Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tọa của buổi đại hội, lúc này trên hàng ghế chủ tọa còn duy nhất bà Lệ ngồi, các thành viên khác như ông Nguyễn Hữu Hoạt đã tránh khỏi hàng ghế nóng.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết dù đã có văn bản gửi HĐQT đề nghị mua toàn bộ 10 triệu cổ phiếu trên với giá 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng không được bà Lệ chấp thuận nhưng nay là mang bán giá 11.000 đồng là làm mất quyền lợi của cổ đông.

Điều này càng khiến cổ đông không khỏi nghi ngờ có thể bà Lệ chỉ vừa quyết định bán thêm cổ phần cho CTCP Xuất nhập khẩu Bình Tây (Bitex) vì muốn pha loãng cổ phiếu và giảm tỷ lệ chi phối của nhóm cổ đông lớn.

Bà Phan Thị Lệ và EMP bất ngờ tuyên bố PNC vẫn giữ 20% vốn CGV Việt Nam

Đại diện PNC vừa có thông cáo chung khẳng định việc doanh nghiệp này nắm giữ 20% vốn tại CGV Việt Nam. Điều này trái ngược hoàn toàn với thông tin PNC chỉ góp 10% vốn tại CGV Việt Nam của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PNC và đại diện Công ty Kiểm toán DTL (đơn vị kiểm toán cho PNC) khẳng định tại ĐHCĐ thường niên 2015 ngày 16/7. Thông cáo có chữ ký của ông Dong Won Kwak, Tổng Giám đốc EMP và bà Chủ tịch HĐQT PNC.

Thông cáo cho biết vốn pháp định ban đầu của Công ty TNHH Truyền thông Megastar là 4 triệu USD với tỷ lệ nắm giữ cổ phần của EMP và PNC lần lượt là 80% và 20%. Đến năm 2006, Megastar được Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên PNC không thể góp thêm vốn. 

EMP theo đó đã thay PNC góp vốn và EMP cũng thanh toán cho PNC 400.000 USD với việc PNC phải đảm bảo cơ quan nhà nước chấp thuận việc chuyển góp vốn đã nêu. Năm 2011, Công ty CJ CGV Hàn Quốc mua lại 92% phần vốn của EMP và tiếp tục duy trình quan hệ liên doanh với PNC. Do đó, thông cáo xác nhận PNC đã hoàn thành nghĩa vụ vốn góp vào liên doanh với khoản vốn mà EMP nộp thay PNC.

Về “phao cứu sinh” 600.000 USD PNC nhận từ Tập đoàn CJ, cổ đông Vũ Cao Trung cho ý kiến rằng:

“Với cái phao cứu sinh này thì PNC đã kịp thời thoát xác như một con ve sầu, chuyển sự lỗ thành lời. Tuy nhiên, “cục tiền” 600.000 USD này xuất phát từ việc PNC ký hợp đồng vay 7 triệu USD. Mà với hợp đồng vay 7 triệu USD PNC phải từ bỏ tất cả các quyền của PNC về biểu quyết khi cầm cố toàn bộ cổ phần của PNC trong Công ty TNHH CGV Việt Nam (CGV Việt Nam - tên cũ là Công ty TNHH Truyền thông Megastar - PV), nên CGV toàn quyền quyết định hoạt động của họ.

Và tại sao hơn 1.000 cổ đông đã thông qua việc vay của CJ mà lại không biết về nội dung này? Nếu hợp đồng này vỡ lở thì báo cáo tài chính, báo cáo kinh doanh là không đúng. Tôi không rõ nội dung cụ thể của các hợp đồng như thế nào, đối tác ký hợp đồng cũng phải có biên bản nghiệm thu xác nhận”.

Cổ đông Nguyễn Xuân Hàn, tỏ ra mất lòng tin vào Chủ tịch HĐQT và nghi ngờ con số bất thường sau kiểm toán:

“Tôi yêu cầu kiểm toán viên phải xác định rõ và chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý về báo cáo kinh doanh 2014 của PNC là trung thực, đã phản ánh đầy đủ mọi hoạt động của công ty trong năm”.

Cổ đông Nguyễn Tuấn Quỳnh, đặt vấn đề:

“Tại sao bà Phan Thị Lệ không đồng ý cho tôi đăng ký mua cổ phiếu. Việc bà Lệ tự quyết việc thương thảo ban đầu để bán 10 triệu cổ phiếu lẻ, tương đương 110 tỷ đồng cho đối tác chiến lược là Bitex nhằm tăng vốn mà không báo cáo trước và trong đại hội là vi phạm nghiêm trọng luật và điều lệ công ty. Vì sao các thủ tục phát hành vẫn chưa thành công mà HĐQT vẫn không xin ý kiến cổ đông về vấn đề này? Giá tôi đặt mua 10 triệu cổ phiếu này của tôi cao hơn khoảng 2.000 đồng so với Bitex nhưng vẫn không được Chủ tịch HĐQT cho phép mua”.

Theo Ánh Hoa - Quân Vũ (NTD)