Chuyện ít biết về đạo diễn và diễn viên chính "Ván bài lật ngửa"

NSƯT Nguyễn Chánh Tín đã ra đi vào rạng sáng 4/1 nhưng có lẽ với những người yêu điện ảnh, tên tuổi của ông sẽ mãi là biểu tượng khó thay thế.

chuyen-it-biet-ve-dao-dien-va-dien-vien-chinh-van-bai-lat-ngua

NSƯT Nguyễn Chánh Tín. Ảnh: TL

Sự kết hợp của những tài năng

38 năm trôi qua, cho đến tận bây giờ, nhắc đến "Ván bài lật ngửa", giới chuyên môn và khán giả vẫn phải thừa nhận đó là bộ phim thành công nhất về đề tài tình báo. Những năm 80 của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, sơ khai nhưng bằng chính yếu tố con người mà bộ phim "Ván bài lật ngửa" trở nên bất hủ. Đó là những cái tên như: Nhà văn Trần Bạch Đằng viết kịch bản, đạo diễn Lê Hoàng Hoa, dàn diễn viên tên tuổi Chánh Tín, Thương Tín, Thanh Lan, Thúy An, Trần Quang, Lê Cung Bắc, Lý Hùng, Robert Hải…

Là một bộ phim lịch sử về nhân vật có thật - điệp viên Phạm Ngọc Thảo nhưng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã biến nó trở thành một bộ phim không chỉ có nội dung hấp dẫn mà còn lôi cuốn ở cách kể chuyện. Sự khác biệt đó có được là nhờ những năm tháng ông được học bổng của International Cooperation Administration (ICA) và là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ du học về điện ảnh.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã gắn câu chuyện với yếu tố thời cuộc, biến nó từ phim trở thành kho tư liệu quý giá. Đó là bối cảnh Sài Gòn, văn hóa thời Mỹ - Diệm; là chất hành động với những cảnh rượt đuổi xe hơi trên đường đèo không kém gì phim Mỹ; những màn đấu trí thông minh hồi hộp không kém gì các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Xô Viết.

Khó có thể tin được rằng ở thời điểm sơ khai ấy, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã đưa vào phim cả những phân cảnh có tàu chiến, sử dụng trực thăng và đại cảnh lên đến 20.000 người. Bối cảnh của phim cũng trải dài ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, từ Đà Lạt, Tây Nguyên, Bến Tre, Nha Trang, Huế, đến Phnompenh – Campuchia, Lào... với những thước phim vừa gay cấn, vừa đậm chất điện ảnh, thơ mộng và lãng mạn.

Trong số đó, hình tượng thành công nhất, đẹp nhất mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa tạo dựng được chính là kỹ sư Nguyễn Thành Luân, do nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín thủ vai. Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín vào vai thành công đến mức, người ta ngỡ rằng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã "đo ni đóng giày" cho vai diễn. Còn với khán giả, nếu phim có làm lại thì cũng khó có diễn viên nào có thể hợp vai và thành công hơn thế.

Không chỉ đẹp trai, lãng tử, Nguyễn Chánh Tín sở hữu đôi mắt biết nói, lối diễn xuất lạnh, khó đoán định đặc trưng của một điệp viên nhưng ẩn sau đó là sự thông minh, sắc sảo và chiều sâu nội tâm làm lung lạc người xem. Ngay cả khi ông không hề diễn xuất, chỉ thong dong bước đi trong cánh rừng cao su mùa rụng lá, đôi mắt với ánh nhìn xa xăm, sau lưng là nắng chiếu và rừng chiều… cũng đủ làm xao xuyến thế hệ khán giả đến tận bây giờ.

Người ta nói, những cảnh phim đẹp thì nhiều nhưng để ám ảnh và trở thành biểu tượng như vậy thì vô cùng hiếm hoi. Và chỉ riêng khoảnh khắc đó thôi cũng đủ ghi dấu ấn một đời của đạo diễn và diễn viên.

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín từng nhận xét về đạo diễn Lê Hoàng Hoa rằng: "Đó là một "phù thủy" của điện ảnh Việt Nam. Trong bộ phim này, bên cạnh vai chính còn có hàng chục vai thứ chính, đều rất quan trọng. Ngoài số diễn viên có nghề, đã thành danh như: Trần Quang, Thương Tín, Thanh Lan, Thúy An ra, còn lại các vai: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Lại Văn Sang… đều được thể hiện bởi những khuôn mặt hết sức xa lạ, lần đầu tiên xụất hiện trước ống kính.

Vậy mà, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã nhào nắn họ trở thành những diễn viên còn hơn cả chuyên nghiệp. Nhân vật Ngô Đình Nhu, gai góc đến thế, lại được giao cho một người hành nghề bán quần áo rất bình thường. Tôi đã tham gia trên dưới 100 phim nhưng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã để lại trong ký ức của tôi những ấn tượng sâu sắc nhất".

Số phận thay đổi nhờ "Ván bài lật ngửa"

chuyen-it-biet-ve-dao-dien-va-dien-vien-chinh-van-bai-lat-ngua

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa.

Làm phim về điệp viên Phạm Ngọc Thảo nhưng đạo diễn không ngợi ca một chiều. Xuyên suốt 8 tập phim, khán giả không chỉ thấy tài mưu trí tuyệt vời của Đại tá Nguyễn Thành Luân mà còn có cái nhìn khách quan thông qua nhân vật Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm. Đó cũng là ngụ ý để minh chứng sự thông minh, sắc sảo của điệp viên Phạm Ngọc Thảo.

Có rất nhiều phân đoạn đối thoại mang tính đỉnh cao của hai nhân vật này được khán giả ghi nhớ. Đặc biệt là màn đối thoại ở tập cuối "Vòng hoa trước mộ". Ông Nhu nói với Đại tá Nguyễn Thành Luân: "Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa. Anh nắm nhiều chủ bài hơn tôi.

Ngay phút này đây, tôi vẫn có thể xóa anh, nhưng tôi không làm việc đó. Tôi không muốn anh chịu chung số phận với chúng tôi. Anh nên ra đi trước khi quá muộn". Nguyễn Thành Luân từ tốn đáp lại: "Cám ơn anh. Điều lớn nhất đối với tôi là Tổ quốc, là lý tưởng mà tôi theo đuổi. Tôi hy vọng, Tổng thống và anh gặp may mắn". Sau đó, ông Nhu cho bảo vệ đưa Nguyễn Thành Luân ra khỏi đường hầm an toàn, còn ông ta ở lại để chờ một cái án tử sắp đến. Bộ phim kết thúc với vòng hoa mà Nguyễn Thành Luân đặt trước mộ Ngô Đình Nhu và lời nói: "Dù sao, tôi cũng đã mất đi một đối thủ tầm cỡ, chúc anh yên nghỉ!".

Thật trùng hợp, khi làm phim "Ván bài lật ngửa", cả đạo diễn Lê Hoàng Hoa và nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đều được chọn với lý do giúp họ làm lại cuộc đời. Trong một lần về nước (đạo diễn Lê Hoàng Hoa định cư tại Ba Lan từ năm 1995-PV), đạo diễn Lê Hoàng Hoa kể rằng, năm 1979 ông đưa gia đình vượt biên nhưng kết cục cả vợ và hai con đều mất tích, còn ông bị bắt giam tại Bến Tranh thuộc tỉnh Bến Tre đúng 9 tháng 10 ngày. Khi cánh cửa cuộc đời tưởng chừng đã khép lại thì ông được nhà văn Trần Bạch Đằng, tác giả kịch bản phim "Ván bài lật ngửa" tìm đến với lời đề nghị đạo diễn cho bộ phim bởi không nhà làm phim nào am hiểu chính quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm hơn ông.

Cũng tương tự như vậy, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Chánh Tín vượt biên không thành và bị bắt. Khi được thả, chính nhà văn Trần Bạch Đằng đã giới thiệu ông với đạo diễn Lê Hoàng Hoa để thay thế diễn viên cũ. Vì vậy, có thể nói "Ván bài lật ngửa" không chỉ là bộ phim làm thay đổi điện ảnh lúc bấy giờ mà còn vẽ lại trang mới cho cuộc đời của đạo diễn Lê Hoàng Hoa và nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín.

Có một chi tiết thú vị nữa là người hát ca khúc "Đêm đông" trong phim "Ván bài lật ngửa" - ca sĩ Trúc Quỳnh - sau này cũng chính là người vợ thứ hai của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Khi kết hôn, ca sĩ Trúc Quỳnh mới 18 tuổi, đang là học sinh trung học và nhỏ hơn ông 30 tuổi. Năm 1995, ông cùng gia đình vợ sang định cư tại Ba Lan. Những năm tháng cuối đời, ông trở về nước và mất vào năm 2012, hưởng thọ 79 tuổi. 

Theo GiaDinh