Chuyên gia hiến kế cách giảm xu hướng tăng giá hàng hoá

Để không tăng giá hàng hoá, bài toán muôn thuở và là đầu tiên, đó là giải quyết quan hệ cung cầu.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, giá điện và xăng chính thức tăng từ đầu tháng 4/2019, đã kéo theo giá của một số mặt hàng, dịch vụ tăng giá. Trong đó phải kể đến giá của mặt hàng xăng đã tăng trung bình từ 6.000 – 7.000 đồng/bình, tuỳ loại gas sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Điều này khiến người tiêu dùng lo ngại việc dồn dập tăng giá của một số mặt hàng quan trọng như: Giá sách giáo khoa, giá dịch vụ y tế… và sẽ đem đến một đợt tăng giá hàng hóa mới trong quý II và III /2019, tạo gánh nặng lên vai người tiêu dùng.

Có thể nói, những lo ngại của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở thực tế, bởi ngay sau khi giá điện và xăng tăng vào thời điểm đầu tháng 4/2019 thì đến chiều hôm nay (ngày 17/4), giá xăng tiếp tục tăng lần 2 với mức tăng là 1.377 đồng/lít đối với xăng E5RON92; xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít; dầu diesel tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; dầu mazut tăng 1.127 đồng/kg.

chuyen-gia-hien-ke-cach-giam-xu-huong-tang-gia-hang-hoa

Từ giá của các mặt hàng chủ lực của nền kinh tế tăng, người tiêu dùng lo lắng giá nhiều mặt hàng sẽ dồn dập tăng trong thời điểm quý II và quý III năm 2019.

Trao đổi với PV, chị Lê Thị Hằng (35 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, từ thời điểm giá điện tăng và giá xăng tăng lần đầu, các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi giá của xăng và điện, mặc dù giá mặt hàng gas có nhỉnh 6.000 - 7.000 đồng/bình. Thậm chí, mặt hàng thực phẩm xanh như các loại rau, củ, quả đều có xu hướng giảm giá vì gặp thời tiết thuận lợi và trúng vụ. Đơn cử như giá cam không hạt Thái Nguyên đang được bán với giá 10.000 đồng; cam sành Tuyên Quang có giá 13.000 - 15.000 đồng/kg...

Đánh giá dưới góc độ của một người nội trợ, chị Hằng lý giải: "Sở dĩ, giá các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm không có xu hướng tăng giá là bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm. Tôi thấy thay về lựa chọn sản phẩm cho bữa ăn ngoài chợ truyền thống thì nhiều người tiêu dùng lại đến các hệ thống siêu thị để mua đồ. Một phần vì giá cả không có sự chênh lệch nhiều, một phần vì đáp ứng vấn đề chất lượng sản phẩm của khách hàng, nên vấn đề chất lượng với giá cả luôn là điều tiên quyết để các chợ truyền thồng và hệ thống siêu thị phải tính toán để giữ chân khách".

Trước sự biến động mạnh của giá xăng, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cũng lo ngại về giá của các mặt hàng tăng theo kiểu "tát nước theo mưa". Bởi hàng hóa nào cũng phải “động” tới chi phí vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ, nhân công… Như vậy, việc đẩy giá lên là một điều tất yếu, điều quan trọng là có “té nước” quá mức hay không thì mới đáng trách.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong trường hợp giá các mặt hàng, dịch vụ có xu hướng tăng, thì cách duy nhất để kìm hãm bớt tốc độ tăng giá hàng hóa là giải quyết quan hệ cung - cầu.

chuyen-gia-hien-ke-cach-giam-xu-huong-tang-gia-hang-hoa

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để “kìm hãm” sự gia tăng giá các mặt hàng hoá trong năm 2019 thì bài toán muôn thuở và là đầu tiên, đó là giải quyết quan hệ cung cầu.

Chuyên gia này đưa ra ví dụ, giá cam sành miền Nam hiện nay, vào ngày 07/04/2019 là 7.000 – 8.000đ/kg, nhưng ở thị trường phía Bắc vẫn có giá từ 35.000 – 50.000đ/kg. Điều này có nghĩa, hệ thống phân phối vẫn tiếp tục có vấn đề với mặt hàng cam và những mặt hàng thiết yếu khác cho các gia đình.

Đường ăn cũng vậy. Hiên nay, đường ăn tồn kho số lượng lớn, nhiều lúc phải xuất xưởng với giá 10.000 – 11.000đ/kg. Tuy nhiên, giá mặt hàng này ở thị trường bán lẻ như tại chợ và siêu thị vẫn ở mức 20.000 – 22.000đ/kg.

Ông Phú khẳng định: "Chúng ta nên tổ chức lại hệ thống phân phối, đưa nhanh hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ lẻ, để giảm bớt chi phí trung gian, bằng cách là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu ra cho sản xuất một cách hợp lý và đầu vào cho người tiêu dùng với giá cả chấp nhận được.

Thứ hai, bàn tay của các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả để tổ chức lại sản xuất, thị trường, mạng lưới phân phối, cung cấp thông tin đầy đủ, rộng rãi, dễ nhận biết cho các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh trên thị trường".

Theo ông Phú, về lâu dài thì các đơn vị chức năng nên tổ chức các trung tâm giao dịch hàng hóa, nông sản thực phẩm, các chợ đầu mối để buôn bán một cách công khai minh bạch, cạnh tranh một cách bình đẳng, góp phần giảm bớt tốc độ tăng giá không cần thiết như hiện nay và trong tương lai tiếp theo của thị trường nội địa Việt Nam, giúp cho thị trường tiêu dùng hợp lý hơn. Đồng thời, tránh được những cú sốc mạnh không cần thiết về giá cả hàng hóa với người tiêu dùng.

Theo GiaDinh