Chuyển đổi SIM 11 số sang 10 số: Người sử dụng bị ảnh hưởng gì?

Khi chuyển đổi SIM 11 số về 10 số, các sản phẩm có gắn với mã mạng (card visit, bao bì, biển quảng cáo...), các số điện thoại lưu giữ trong điện thoại di động... cũng đều chịu sự tác động

Chiều 29/5 tại họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch chuyển đổi sim 11 số sang 10 số, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Cục Viễn thông đã chia sẻ về nội dung kế hoạch chuyển đổi mã mạng từ đầu 01X sang đầu 03X, 07X, 08X. 

Theo đó, từ ngày 15/9/2018, ước khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số sẽ được chuyển đổi sang 10 số. Cụ thể, thuê bao 11 số của MobiFone gồm đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển thành đầu 10 số tương ứng: 070, 079, 077, 076, 078.

Thuê bao 11 số của VinaPhone gồm 5 đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành đầu 10 số: 083, 084, 085, 081, 082.

Thuê bao 11 số của Viettel gồm 8 đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039...

Ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đợt chuyển đổi mã mạng lần này có tác động đến số lượng lớn người sử dụng viễn thông di động.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, có khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số và khoảng 700 thuê bao VSAT (thuê bao băng rộng vệ tinh) chịu sự tác động khi chuyển đổi. Bên cạnh đó, các sản phẩm có gắn với mã mạng (card visit, bao bì, biển quảng cáo...), các số điện thoại lưu giữ trong điện thoại di động... cũng đều chịu sự tác động khi chuyển đổi SIM 11 số về 10 số.

Phó cục trưởng Cục Viễn thông Trần Mạnh Tuấn cho biết, đối với tất cả số thuê bao hiện tại có 10 chữ số sẽ không có gì thay đổi. Đối với số thuê bao VSAT và thuê bao 11 chữ số, 7 chữ số cuối cùng cũng không có gì thay đổi mà chỉ thay đổi mã mạng.

Chuyển đổi SIM 11 số sang 10 số: Người sử dụng bị ảnh hưởng gì?

Đợt chuyển đổi mã mạng lần này có tác động đến số lượng lớn người sử dụng viễn thông di động. Ảnh minh họa

Liên quan đến việc phân bổ đầu số liên quan trực tiếp tới giá bán SIM của các nhà mạng. Đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, trong quá trình chuyển đổi đã có nhiều lần làm việc với các nhà mạng mới có thể đi đến thống nhất.

"Các nhà mạng có ý kiến muốn được phân bổ đầu số này, số kia. Tuy nhiên, hiện tại quy định không có sự phân biệt nên chúng tôi phải làm việc với họ nhiều lần và đã tính đến trường hợp các bên không đồng thuận được thì tiến hành bốc thăm. Cuối cùng các bên đều đã đồng thuận như trong bản kế hoạch chuyển đổi", đại diện Cục Viễn thông cho hay.

Ông Trần Mạnh Tuấn cho biết, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các biện pháp thông tin, tuyên truyền kết hợp với các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động tới khách hàng.

Bên cạnh việc truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các doanh nghiệp sẽ phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho các đại lý, điểm bán sim thẻ về việc chuyển đổi mã mạng. Đặc biệt, các nhà mạng sẽ cung cấp phần mềm hỗ trợ khách hàng cập nhật danh bạ điện thoại theo đầu số mới.

Tiếp tục khẳng định về sự cần thiết phải quy hoạch lại kho số, đại diện Bộ TT&TT đưa ra là "do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới ra đời và phát triển. Trước đây chỉ có điện thoại cố định, chưa có điện thoại di động thì nay đã có dịch vụ di động từ 2G đến 4G và sắp tới là 5G, kết nối Internet vạn vật.

Vì vậy, cần phải quy hoạch lại kho số viễn thông quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, giao thông thông minh, y tế thông minh, điện lực thông minh, phục vụ cách mạng 4.0 và tránh tình trạng thiếu kho số di động và thừa kho số cố định".

Thêm nữa, việc quy hoạch kho số viễn thông quốc gia là "cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế".

Theo VietQ