Chuyện cảm động của người phụ nữ trở về sau 25 năm bị lừa bán

Khi con trai cho xem ảnh được nhà xe đưa lên Facebook, bà K lờ mờ nhận ra đó là đứa cháu đã mất tích suốt bao nhiêu năm qua. Thế rồi, bà tức tốc thuê xe xuống TP Thanh Hóa để nhận cháu. Vừa nhìn thấy bà K, người cháu lao đến ôm chầm lấy bà khóc nức nở.

chuyen-cam-dong-cua-nguoi-phu-nu-tro-ve-sau-25-nam-bi-lua-ban

Chị O (bên phải) mất tích trở về sau 25 năm bị lừa bán qua Trung Quốc. Ảnh: Gia Hân

Niềm vui trùng phùng sau 25 năm biệt tích

Những ngày này, gia đình bà N.T.K (trú tại thôn Chính Bình, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) luôn có người tới lui thăm hỏi khi cô cháu gái gọi bà bằng dì bỗng đột ngột trở về sau 25 năm biệt tích. Người cháu gái đó là chị N.T.O (SN 1977, bị lừa bán sang Trung Quốc năm 1994 khi mới 17 tuổi). Ngày 9/11, chị O bất ngờ tìm được về nhà.

Kể về người cháu gái tội nghiệp, bà K không kìm được những giọt nước mắt. Bà không thể ngờ có ngày được gặp lại cháu sau bao nhiêu năm biệt tích. "Mấy ngày nay gia đình tôi vui mừng khôn xiết. Bà con không ngớt thăm nom, ai cũng sẻ chia những éo le với O… Có nhiều người còn sẵn lòng ủng hộ O tiền bạc, quần áo...".

Bà K cho biết, chiều 9/11, gia đình bà nhận được tin báo có người phụ nữ đi trên chuyến xe khách Thắng Thanh từ Quảng Ninh về Thanh Hóa, nói bị bán sang Trung Quốc và không nhớ đường về nhà. Người phụ nữ đó bảo quê ở xã Đông Hòa (huyện Đông Sơn). Có mẹ tên là Đ, dì tên là K. Khi con trai bà K xem thông tin thấy giống và trùng khớp với hoàn cảnh gia đình mình liền cho mẹ xem ảnh và nội dung nhà xe đưa lên Facebook. Lúc này bà K lờ mờ nhận ra đó chính là cháu gái đã mất tích suốt bao nhiêu năm của mình liền thuê xe xuống TP Thanh Hóa để nhận cháu. "Vừa nhìn thấy tôi, O lao đến ôm chầm lấy rồi khóc nức nở: "Dì K, cháu đây. Ngày nhỏ dì thường cho cháu ăn cơm...", bà K chia sẻ.

Kể về gia đình cháu gái, bà K không khỏi quặn lòng. Mẹ chị O qua đời khi các con đang còn thơ dại. Trong khi đó, ông N.Đ.V (bố chị O) hạn chế về nhận thức, không thể nuôi được các con. Trước tình cảnh đó, anh em bên ngoại đã nhận nuôi 3 chị em gái O, một người con trai buộc phải đem cho người khác nuôi. Còn một người con gái thì sống lang thang khắp nơi với bố.

Năm 1994, khi đó chị O 17 tuổi thì bất ngờ mất tích, người thân đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. "Sau bao năm, giờ nhìn đứa cháu con của chị gái, tôi vui mừng lắm. Từ ngày trở về, O luôn trong tình trạng hoảng loạn về tinh thần. Thấy người lạ, O thường dè dặt, sợ hãi, chỉ dám ngồi cùng nói chuyện nếu như có dì ở bên. Có lẽ, xa quê lâu ngày và bị đối xử tệ bạc bên xứ người nên cháu mang tâm lý hoảng sợ và có phần bị hạn chế trong giao tiếp với xã hội", bà K tâm sự.

25 năm làm vợ chui và hành trình trở về

Sau khi được dì thuyết phục, chị O đã kể lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện đã xảy ra cách đây 25 năm trước. Đó là vào một buổi trưa năm 1994, khi đó chị đang bắt ốc ngoài đồng thì có một người phụ nữ đi xe đạp tới bắt chuyện. Người phụ nữ này tỉ tê và mời chị O đi ăn uống. Sau khi ăn uống, người phụ nữ này còn mua quần áo rồi rủ O đi theo mình. "Lúc đi theo, tôi được người phụ nữ đó cho ăn uống rồi sau đó tôi không nhớ gì cả. Mấy ngày sau, tôi tỉnh táo thì biết mình đang ở Trung Quốc và được bán làm vợ cho một người đàn ông địa phương. Do không biết ngôn ngữ, lại sống ở vùng miền núi heo hút, bị quản thúc không thể trốn được nên tôi đã ở lại sống với người đàn ông đó và sinh được 2 con gái, hiện con lớn đã 22 tuổi và con nhỏ 11 tuổi", chị O kể.

Sau vài phút trấn tĩnh để kìm nén những giọt nước mặt đang lăn dài trên gò má, chị O ngậm ngùi kể, cuộc sống làm vợ chui cho người đàn ông Trung Quốc vô cùng khổ cực. Chị thường xuyên bị ngược đãi, đánh đập nên lúc nào cũng mong ngóng tìm cách trở về quê nhà. Đắng cay hơn khi cách đây mấy năm, người chồng của chị qua đời, mẹ con chị bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà. Không có nơi nương tựa, 3 mẹ con chị dìu dắt nhau lên núi dựng một căn nhà tạm để ở. 

"Lúc này, tôi cũng nghĩ tới việc tìm cách về Việt Nam, nhưng nghĩ đến con, với lại cũng không biết về bằng cách nào. Cách đây khoảng 2 tháng, trong một lần xuống chợ mua rau, nghe thấy tôi nói tiếng Việt Nam, cảnh sát Trung Quốc đã giữ và đưa vào trại tập trung hơn 1 tháng. Từ ngày đó, tôi cũng mất liên lạc với 2 con. Bây giờ không biết các con ở đâu nữa", chị O kể trong nước mắt.

Chị O kể tiếp, sau hơn 1 tháng bị nhốt, ngày 9/11, chị và hàng trăm người khác ở trong trại được cảnh sát Trung Quốc đưa lên xe chở ra khu vực biên giới rồi trả về nước. Qua biên giới, tư trang của chị đã bị mất hết. Thậm chí, khi lên xe, trên người chị chỉ còn mỗi bộ quần áo, những người trên chuyến xe khách Thắng Thanh thấy thương quá đã lấy quần áo cho chị mặc rồi cùng nhau quyên góp, ủng hộ cho chị được hơn 1 triệu đồng để về quê nhà.

Ông Doãn Huy Thành - Trưởng Công an xã Đông Hòa cho biết: "Địa phương đã báo cáo sự việc tới Công an huyện Đông Sơn để có hướng giải quyết. Chị O đúng là người ở địa phương mất tích 25 năm trước. Hiện hộ khẩu, hộ tịch của chị đã bị xóa khỏi địa phương. Nay chị O đã trở về, chúng tôi đã báo cáo Công an huyện xem xét sớm khôi phục lại hộ khẩu, hộ tịch để chị ấy sớm ổn định cuộc sống, được hưởng các chế độ chính sách của Đảng, nhà nước".

Theo GiaDinh