Chùm ca bệnh ở Nam Kinh lan ra 15 thành phố, Trung Quốc khẩn cấp dập dịch

"Ổ dịch" Covid-19 từ sân bay Nam Kinh đã lan ra ít nhất 5 tỉnh khác của Trung Quốc. Chuyên gia cảnh báo, đây là một thử thách mới với chiến dịch đối phó Covid-19 của nước này.

chum-ca-benh-o-nam-kinh-lan-ra-15-thanh-pho-trung-quoc-khan-cap-dap-dich

Một phòng thí nghiệm tạm được sử dụng để xét nghiệm Covid-19 ở Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Dịch lan rộng nhất kể từ đợt dịch ở Vũ Hán

Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) cho biết, đợt bùng phát dịch bắt nguồn từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã lan ra 15 thành phố gồm Bắc Kinh và các thành phố ở 5 tỉnh khác của Trung Quốc. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên liên quan đến sân bay hôm 20/7, đến nay đã có gần 200 ca liên quan đến cụm dịch này.

Giới lãnh đạo tỉnh Giang Tô trong tuần này đã họp khẩn để thảo luận tình hình bùng phát dịch ở địa phương. Trong thông cáo sau cuộc họp, họ thừa nhận đợt bùng phát hiện nay rất nghiêm trọng và ổ dịch Nam Kinh có thể ảnh hưởng đến quy mô toàn quốc.

Các chuyên gia cho rằng, đợt bùng phát này đặc biệt đáng quan tâm bởi các đợt bùng phát khác sau đợt ở Vũ Hán chỉ giới hạn ở một thành phố hoặc một số thành phố lân cận.

Trong khi đó, đợt dịch này bắt nguồn từ một sân bay quốc tế đông đúc, nơi vận chuyển hành khách đường dài và đã nhanh chóng đưa virus lây lan ra nhiều tỉnh, thành nữa của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Tứ Xuyên ở tây bắc, tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc. Sân bay Lộc Khẩu là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất ở Trung Quốc, đón khoảng hơn 30 triệu lượt khách trong năm 2019.

Trương Gia Giới, một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam, được cho cũng là một mắt xích quan trọng nữa trong chuỗi lây lan. Bốn ca nhiễm từng đến sân bay Lộc Khẩu đã xem một chương trình biểu diễn ở Trương Gia Giới hôm 22/7 cùng với hơn 2.000 người khác. Bắc Kinh hôm 29/7 cũng ghi nhận hai ca nhiễm là người trở về từ Trương Gia Giới.

Wang Guangfa, một chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện Đại học Bắc Kinh, nhận định sự xuất hiện của biến chủng Delta cũng khiến dịch bùng phát nhanh và lan rộng.

"Đã đến lúc chúng ta cần tìm ra những lỗ hổng trong các nỗ lực kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh", ông Wang nói và nhấn mạnh thậm chí những thành phố chưa phát hiện các ca nhiễm liên quan đến "ổ dịch" Nam Kinh cũng cần phải nâng cao cảnh giác.

Trung Quốc cấp tập dập dịch

chum-ca-benh-o-nam-kinh-lan-ra-15-thanh-pho-trung-quoc-khan-cap-dap-dich

 

Nhân viên y tế khử khuẩn tại sân bay Lộc Khẩu, Nam Kinh (Ảnh: Tân Hoa Xã).

 

Tại ổ dịch Nam Kinh, giới chức địa phương đã phong tỏa hàng trăm nghìn người dân. "Các quán cà phê, phòng tập gym, quán karaoke, thậm chí thư viện ở Nam Kinh đều bị đóng cửa", một thành viên ban chỉ đạo ứng phó dịch ở Nam Kinh cho hay. Thành phố cũng xét nghiệm hai đợt cho toàn bộ hơn 9 triệu dân.

Nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường truy vết người dân từng đến Nam Kinh và các thành phố có ca nhiễm thời gian gần đây, đồng thời tăng cường công tác phòng dịch. Ví dụ, giới chức ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc đã công bố kết quả điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh ở Nam Kinh.

Thành phố Chu Hải và Trung Sơn ở tỉnh Quảng Đông cũng nhanh chóng tiến hành xét nghiệm diện rộng sau khi phát hiện các ca bệnh liên quan đến ổ dịch Nam Kinh, nhưng đến nay chưa phát hiện thêm các ca mới.

Thành phố Ninh Hương ở Hồ Nam cũng áp dụng các biện pháp tương tự sau khi một cậu bé 12 tuổi được phát hiện tiếp xúc gần với một ca bệnh ở tỉnh Tứ Xuyên.

Tại Bắc Kinh, giới chức địa phương đã phong tỏa 9 khu dân cư gần nơi ở của cặp vợ chồng dương tính với SARS-CoV-2 vừa trở về từ Trương Gia Giới. Người dân ở đây cho biết, chính quyền địa phương thông báo, họ sẽ tiếp tục bị phong tỏa ít nhất 2 tuần và được xét nghiệm 3 ngày một lần.

Pang Xinghuo, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, kêu gọi người dân không ra khỏi thành phố.

"Mùa hè là mùa đỉnh điểm du lịch. Mọi người đi lại nhiều, nhưng người dân không nên lơ là việc phòng ngừa dịch bệnh. Chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, ra khỏi thành phố trong thời gian trước mắt, thay vào đó, chỉ di chuyển ở nội đô và các khu vực ngoại ô gần, đến những nơi không tụ tập quá đông người", ông Pang nói.

chum-ca-benh-o-nam-kinh-lan-ra-15-thanh-pho-trung-quoc-khan-cap-dap-dich

Nam Kinh xét nghiệm hai đợt cho toàn bộ hơn 9 triệu dân sau khi phát hiện ổ dịch ở sân bay (Ảnh: AFP).

Zhang Wenhong, một chuyên gia dịch tễ nổi tiếng của Trung Quốc, nhận định đợt bùng dịch mới là một thử thách nữa với chiến dịch đối phó Covid-19 của nước này và có thể tác động đến chính sách phòng ngừa và kiểm soát dịch trong tương lai.

Tuy vậy, ông Zhang vẫn cho rằng, Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát được đợt dịch mới bởi tất cả các ca nhiễm ở các tỉnh thành khác đều liên quan đến ổ dịch sân bay Lộc Khẩu ở Nam Kinh.

"Nam Kinh đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt. Chúng ta nên tin tưởng rằng ổ dịch sẽ được kiểm soát trong vòng vài tuần nếu các biện pháp kiểm soát có hiệu quả", ông Zhang nói. Mặt khác ông cũng cảnh báo, nếu ổ dịch diễn biến tồi tệ hơn, chính quyền có thể cần đến các biện pháp mạnh tay hơn nữa.

Zhou Zijun, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng với tình hình hiện nay, người dân ở Trung Quốc có thể cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19 liều bổ sung. "Chúng ta vẫn cần chờ thêm kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để xem liệu liều bổ sung có hiệu quả như thế nào", ông nói.

Trước đó, giới chức y tế cho biết, hầu hết các ca nhiễm ở Nam Kinh đã được tiêm vắc xin, trong đó 7 ca bệnh diễn biến nặng. Điều này đặt ra những câu hỏi về hiệu quả của vắc xin.

Tuy nhiên, Zhuang Shilihe, một chuyên gia tại Quảng Đông, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, hiện chưa rõ những người này đã tiêm chủng chưa, nhưng các nghiên cứu trước đó đã chứng minh vắc xin vẫn là phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ bệnh trở nặng. Ông Shao cho biết, các vắc xin hiện tại ở Trung Quốc vẫn có hiệu quả với tất cả các loại biến chủng của SARS-CoV-2.

Đến nay, Trung Quốc đã tiêm khoảng 1,5 tỷ liều vắc xin cho người dân và đều là vắc xin nội địa. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 65% trong số gần 1,5 tỷ dân trước cuối năm nay. Hiện chưa rõ Trung Quốc đã tiêm đủ hai liều cho bao nhiêu phần trăm dân số.

 Minh Phương

Theo Global Times, SCMP/Dân trí

------

Xem thêm:

+Mưa lũ Trung Quốc: Người ch.ế.t gia tăng, thêm cảnh báo ảm đạm

+Hóa đơn h.ỏa t.áng tăng vọt gây xôn xao Indonesia giữa "sóng thần" Covid-19

+Vụ tàu cao tốc đang chở khách dừng đột ngột, chìm trong nước lũ ở TQ: Hành khách tuyệt vọng gọi cho người thân để từ biệt

-----