Chủ tịch xã ở Quảng Bình t.ử v.ong do vết thương nhỏ khi đi cứu dân vùng lũ, cảnh báo vi khuẩn cực độc

Sau khi bị thương ở đầu gối trong quá trình cứu hộ nhưng không để ý, ông Miên bị sốt cao do nhiễm khuẩn trong nước lũ và t.ử v.ong hôm 11/11.  

Ông Phan Thanh Miên, 51 tuổi, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình nhiễm khuẩn vết thương ở gối. Trước đó, trong trận lụt lịch sử xảy ra vào tháng 10 vừa qua, ông Phan Thanh Miên cùng các lực lượng trong xã đã ứng cứu nhiều người dân bị mắc kẹt trong lũ dữ. Trong lúc cứu người dân, ông Miên bị thương nhẹ ở đầu gối.

Vết thương nhẹ, trong khi tình hình lũ lụt tại địa phương đang cấp bách, nhiều ngày sau đó, ông Miên vẫn tiếp tục dầm mưa lội nước lũ cấp phát nhu yếu phẩm cho bà con.

Nhiều ngày, ông Miên bị sốt, gia đình đưa ra trạm y tế xã điều trị nhưng không thuyên giảm. Sau đó, ông Miên được chuyển vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng sốt nặng, đầu gối sưng rất to.

Sức khỏe ông Miên ngày một xấu hơn, thể trạng yếu và được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm một loại vi khuẩn từ nước lũ có tên là Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Melioidosis, hay bệnh Whitmore. Ông Miên bị nhiễm trùng rất nặng, phải thở máy, lọc máu liên tục nhưng vẫn không qua khỏi, ông qua đời vào ngày 11/11.

Trong báo cáo tại Hội nghị Hồi sức chống độc Việt Nam năm 2020 tổ chức ngày 12– 13/11/2020 tại Nha Trang, TS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có bài báo cáo về ca bệnh lâm sàng nhiễm bệnh Whitmore.

chu-tich-xa-o-quang-binh-t-u-v-ong-do-vet-thuong-nho-khi-di-cuu-dan-vung-lu-canh-bao-vi-khuan-cuc-doc

Ở môi trường ô nhiễm, vết thương nhỏ là cơ hội vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể 

Trao đổi với PV, TS Tình cho biết bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên  và đến nay vẫn chưa có vaccine dự phòng.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn.

Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. 

Thời gian ủ bệnh, hoặc thời gian giữa tiếp xúc với vi khuẩn và sự xuất hiện của các triệu chứng, thường là từ 1 - 21 ngày. 

Người bệnh có các triệu chứng nhiễm trùng phổi như ho và đau ngực. Sốt, chán ăn và đau đầu là những triệu chứng hay đi kèm. Viêm phổi là dạng phổ biến nhất của melioidosis.

Nhiễm trùng máu, có thể có các đặc điểm như sốt cao, nhức đầu, khó thở, thay đổi trạng thái tâm thần, đau khớp và đau bụng. Nhiễm trùng lan rộng hoặc phổ biến đặc trưng bởi sốt, giảm cân, đau ngực hoặc đau bụng, đau đầu, co giật và đau cơ và khớp.

TS Tình cho biết những người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính...dễ bị mắc Whitmore và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn bệnh nhân bình thường. 

Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong khoảng 40- 60% theo một số nghiên cứu.

Hiện nay, TS Tình cho biết số ca bệnh Whitmore được phát hiện như hiện nay mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi trong một thời gian quá dài, chúng ta rất ít quan tâm đến Whitmore.

Nếu trong thời gian tới, số ca bệnh Whitmore trong cả nước sẽ được phát hiện nhiều hơn, sớm hơn bởi vì các công nghệ vi sinh học đã tăng. Các bác sĩ đã nêu cao cảnh giác với bệnh và các kỹ thuật xét nghiệm ngày càng hiện đại.

Theo TS Tình những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Để phòng bệnh, TS Tình khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Ở vùng lũ vừa qua, người dân cần phòng bệnh bằng cách sử dụng giày, dép và găng tay khi tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei  và điều trị kịp thời.

Khánh Chi 

Theo Infonet