Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị bắt: Hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" bao năm tù?

Tội 'Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước' theo Điều 337 (Bộ luật Hình sự  2015) có khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam.

Chiều 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội).

Ông Chung bị bắt để điều tra về hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước". Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và Lệnh theo đúng quy định của pháp luật.

chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-nguyen-duc-chung-bi-bat-hanh-vi-chiem-doat-tai-lieu-bi-mat-nha-nuoc-bao-nam-tu

Ông Nguyễn Đức Chung khi còn đương chức (ảnh TL)

Liên quan đến vụ án này, ngày 16/7, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước" được quy định tại Điều 337 (BLHS 2015).

Cơ quan ANĐT đã bắt giữ các đối tượng Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên – Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, lái xe của ông Nguyễn Đức Chung); Phạm Quang Dũng (SN 1983, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là cán bộ của một đơn vị thuộc Bộ Công an).

Bình luận về tội danh này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Hành vi "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước", được hiểu là hành vi làm cho người (khác) không có trách nhiệm biết được nội dung xác định là bí mật Nhà nước (Bí mật Nhà nước là những tin về vụ việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam);

Hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước", được hiểu là hành vi lấy các tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước làm của riêng bằng bất kỳ thủ đoạn nào (tài liệu bí mật Nhà nước là một dạng vật chất đã ghi nhận những thông tin ở dạng thành văn bản, âm thanh, hình ảnh có chứa đựng các nội dung được xác định là bí mật Nhà nước).

Nó được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực đe dọa hoặc các thủ đoạn khác (như lấy trộm, lừa đảo…), để chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước thành của riêng mình.

Hành vi "Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước", được hiểu là hành vi dùng tiền của để trao đổi, sao chép, chụp lại… tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước (hoặc ngược lại).

Hành vi "Tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước", được hiểu là hành vi làm cho tài liệu bí mật Nhà nước bị hỏng đến mức không thể khôi phục được như đốt, xé nát, cắt vụn hoặc bằng các hình thức khác làm cho tài liệu bí mật công tác mất hẳn nội dung không thể khôi phục lại được.

chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-nguyen-duc-chung-bi-bat-hanh-vi-chiem-doat-tai-lieu-bi-mat-nha-nuoc-bao-nam-tu

Cơ quan chức năng tiến hành khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Đức Chung ở số 88 phố Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội)

Cũng theo luật sư Long, hành vi nêu trên xâm phạm đến chế độ bảo mật Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác. Ngoài ra còn gián tiếp xâm phạm đến an ninh đối nội và an ninh đối ngoại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

"Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi.

Trong đó tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra, nhân thân của các đối tượng và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt cụ thể", luật sư Long phân tích.

Điều 337: Tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước"

1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ".

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bình Minh

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+Toàn cảnh đêm tạm giữ và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Đức Chung

+Ai thay ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo chống dịch Covid-19 tại Hà Nội?

+Bắt tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội: Ông Nguyễn Đức Chung có liên quan

----