Chủ tịch Thừa Thiên – Huế lên tiếng vì sao chưa dỡ bỏ kiểm soát người đến từ Đà Nẵng

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định người đến từ Đà Nẵng phải có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính vì địa phương này chưa qua mốc 28 ngày theo quy định.

Ngày 14-9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết dự kiến từ 0 giờ ngày 15-9 địa phương này sẽ không hạn chế đi lại của người dân đến từ Quảng Nam vì đã qua 28 ngày tỉnh này không phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới theo quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với người dân đến từ Đà Nẵng dự kiến đến sau 24-9, Hải Dương là ngày 30-9 tỉnh này mới dỡ bỏ hạn chế nếu không phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới.

chu-tich-thua-thien-hue-len-tieng-vi-sao-chua-do-bo-kiem-soat-nguoi-den-tu-da-nang

Lực lượng chức năng kiểm soát người và phương tiện đến từ hướng Đà Nẵng, Quảng Nam. Ảnh minh họa

 

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn giữ quy định người đến từ vùng dịch (3 địa phương trên) phải đăng ký trước qua mạng để được xem xét, phê duyệt.

Khi đến địa phận tỉnh này, người dân đã được phê duyệt phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.

Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên -Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR.

Trường hợp có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại thì phải lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm PCR trước đó. Kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm người có nhu cầu chi trả và họ phải đăng ký lại tại địa chỉ nêu trên.

Quy định trên khiến nhiều người cho rằng tỉnh Thừa Thiên – Huế quá cứng rắn trong phòng chống dịch Covid-19, "ngăn sông cấm chợ" hoặc tự đưa ra "luật" riêng, trái với các quy định của Thủ tướng; làm khổ và gây tốn kém tiền bạc của người dân.

Họ đưa ra lập luận rằng Đà Nẵng, Quảng Nam đã qua 14 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới từ cộng đồng, xét nghiệm diện rộng cũng đã làm, người dân đi khắp nơi nhưng muốn đến Huế lại phải cần giấy xét nghiệm RT-PCT.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có trao đổi ngắn với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về vấn đề này:

PV: Thưa ông, vì sao Thừa Thiên - Huế vẫn yêu cầu có giấy xét nghiệm RT-PCT âm tính?. Liệu Thừa Thiên - Huế có "ngăn sông cấm chợ", làm trái với chỉ đạo của Thủ Tướng không?

Ông Phan Ngọc Thọ: Thủ tướng yêu cầu tháo dỡ giới hạn đối với địa phương đã công bố hết dịch. Trong khi Quảng Nam kể từ ngày 15-9 mới xong 28 ngày, Đà Nẵng mới ngày thứ 12.

PV: Nhưng liệu Thừa Thiên – Huế áp dụng biện pháp buộc có giấy xét nghiệm RT-PCR có cứng rắn quá không? Sao không thể đổi qua phương án khuyến cáo người dân đến từ các địa phương này nên tự cách ly khi đến nơi lưu trú hoặc hạn chế tiếp xúc?

Ông Phan Ngọc Thọ: Công dân đến Thừa Thiên – Huế là để đi lại, không ai ra để tự cách ly 14 ngày cả. Với tình hình này, khả năng khoảng 13 ngày nữa là hết hạn chế rồi. Có thể sớm hơn khi tình hình tốt lên.

Hơn 25.000 công dân Thừa Thiên - Huế trở về được xét nghiệm miễn phí

Ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết từ trước đến nay hơn 25.000 người dân tỉnh này trở về quê đều được xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí. Địa phương này chỉ thu tiền xét nghiệm đối với người ngoại tỉnh từ vùng còn dịch đến vì lý do cá nhân, hoặc người trốn các chốt kiểm tra không khai báo.

Theo NLD

-----

Xem thêm:

Bệnh nhân COVID-19 duy nhất hiện nguy kịch là nữ

Người phụ nữ 51 tuổi mắc COVID-19 điều trị gần 45 ngày là bệnh nhân có diễn biến nguy kịch nhất hiện nay.

Chiều 14/9, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã có 926 ca khỏi bệnh trên tổng số 1.063 ca phát hiện tại Việt Nam. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 45 bệnh nhân đã chuyển âm tính SARS-CoV-2 từ 1-3 lần.

5 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh hôm nay gồm: BN1025 tại Trung tâm Y tế Huyện Hoà Vang; 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (BN853, BN916) và 2 bệnh nhân tại Bệnh viện nhiệt đới tỉnh Hải Dương (BN906, BN1033).

benh-nhan-covid-19-duy-nhat-hien-nguy-kich-la-nu

Ảnh minh hoạ

Trước đó, ngày 13/9, BN778 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ngày 12/9, 2 bệnh nhân số 647 và 648 được công bố khỏi bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang. 

Với việc BN648 được công bố khỏi bệnh sau nhiều lần liên tiếp âm tính SARS-CoV-2, hiện chỉ còn bệnh nhân 604 (51 tuổi) ở Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang là trường hợp duy nhất có tiên lượng rất nặng, nguy kịch, phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực. Cách đó mấy ngày, các bác sĩ nhận định trường hợp này tiên lượng tử vong. 

Bệnh nhân này đã âm tính lần 3 trở lên với SARS-CoV-2, vào viện từ 2/8, được chẩn đoán viêm phổi trên nền bệnh nhân COVID-19, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn giai đoạn cuối.

Hiện cả nước có hơn 33.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

Về thực hiện cách ly người nhập cảnh tại cơ sở lưu trú có thu phí, tại Thông báo số 326/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng ngày 11/9 vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi, Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện cách ly người nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú và có thu phí.

Các địa phương, trước hết là Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận 3 thành phố trên khẩn trương chỉ đạo lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10 ngàn người và có thể tăng dần trong thời gian tới.

Bộ Công an và chính quyền các địa phương nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí và chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội.

Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI); đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Tại Hà Nội, Sở Y tế cho biết TP đã xây dựng phương án tiếp nhận người nhập cảnh theo quy trình mới nếu một số đường bay quốc tế được mở cửa trở lại thời gian tới.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đợt đón người nhập cảnh lần này sẽ tạo thuận lợi cho nhóm chuyên gia, nhà đầu tư, khoa học vào TP để làm việc. UBND TP đã lên danh sách cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly tập trung. Các cơ sở này có thể đáp ứng đủ cho 20.000 khách nhập cảnh.

Người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày. Khi về Việt Nam họ được xét nghiệm Realtime RT-PCR 2 lần, cách ly đủ 14 ngày và tự chi trả chi phí cách ly, xét nghiệm.

Bản tin tối 14/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, 12 giờ qua Việt Nam không có ca mắc mới, đánh dấu tròn 12 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.

Tính đến tối nay, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Theo GiaDinh