Chỉ 15% nhân viên y tế hài lòng, bệnh viện Bạch Mai nói gì?

Theo khảo sát được thực hiện với 2.014 nhân viên y tế đang làm việc tại BV Bạch Mai, có tới 37% người không muốn gắn bó lâu dài với BV, chỉ 15,3% nhân viên hài lòng toàn diện về bệnh viện.

Bộ Y tế đang thực hiện đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2020 - 2021 với hàng loạt bệnh viện.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả khảo sát có 74% người bệnh nội trú hài lòng về bệnh viện, tỉ lệ này với bệnh nhân ngoại trú là 82%.

chi-15-nhan-vien-y-te-hai-long-benh-vien-bach-mai-noi-gi

Nhấn để phóng to ảnh

Khảo sát được thực hiện online của Bộ Y tế với 2.014 nhân viên y tế đang làm việc tại BV cho thấy có 63% sẽ gắn bó với bệnh viện lâu dài; Mức độ hài lòng chung với lãnh đạo bệnh viện là 51%; Chỉ số hài lòng toàn diện 15,3%; 70% người được khảo sát đề nghị tăng thu nhập.

Có 104/2.014 người được khảo sát đã đưa ra các ý kiến như bệnh viện cần quan tâm hơn đến đời sống của cán bộ nhân viên, trong đó có cả vấn đề trang phục, nghỉ phép, tâm tư nguyện vọng…; công việc quá tải...

Một ý kiến chia sẻ:

"Xin gửi bộ y tế và lãnh đạo bệnh viện xem xét giờ làm việc cho chúng tôi. Chúng tôi làm việc với thời gian quá dài trong khi đó với thu nhập quá thấp.

Xin đơn cử, quy định làm 8h/ngày nhưng hầu như ngày nào chúng tôi cũng làm tới 10h/ ngày trở lên. Trong khi lương năng suất chưa được 3 triệu đồng/tháng. Trong khi cuộc sống chúng tôi còn nhiều khó khăn. Thiết nghĩ liệu có tiếp tục hành nghề hay phải chuyển nghề vì đồng lương không đảm bảo cuộc sống".

15,3% hài lòng toàn diện là quá cao!

Liên quan đến sự hài lòng của nhân viên y tế với Bệnh viện còn thấp, một lãnh đạo bệnh viện cho rằng, đạt chỉ số 15,3% hài lòng toàn diện là tỉ lệ quá cao!

Theo lãnh đạo này, đây là kết quả khảo sát online, được thực hiện khuyết danh với sự tham gia của 2.014 nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện.

"Mọi người cần lưu ý, chỉ số hài lòng toàn diện tức là mức hài lòng tuyệt đối, hoàn hảo, đáp ứng mọi yêu cầu cao nhất. Trong khi đó, bối cảnh Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua do ảnh hưởng của Covid-19 nên nguồn thu giảm, áp lực công việc tăng do tăng cường kiểm tra, giám sát, thu nhập của nhân viên giảm đến một nửa... nên tôi cho rằng tỉ lệ hài lòng toàn diện đạt 15,3% là quá cao", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Ông dẫn chứng  câu chuyện 28 y bác sĩ của bệnh viện nghỉ việc. Một bác sĩ làm việc ở Bạch Mai vất vả vậy, áp lực vậy nhưng thu nhập chỉ khoảng 15-20 triệu đồng, trong khi đó nếu ra bệnh viện tư có thể được trả thu nhập đến 100 triệu đồng/tháng, vậy làm sao nhân viên y tế có thể hài lòng.

Với chỉ số 51% cán bộ, nhân viên y tế hài lòng chung về lãnh đạo bệnh viện, 37% cán bộ y tế không muốn gắn bó lâu dài với bệnh viện, ông chia sẻ:

"Tôi cho rằng câu chuyện 51% nó cũng như tỉ lệ 15,3%. Bởi việc hài lòng hay không hài lòng nó liên quan đến mức độ thỏa mãn yêu cầu của nhân viên với công việc, thu nhập tốt, môi trường làm việc phải thoải mái về tinh thần, không căng thẳng, áp lực. Đây là những mong muốn rất chính đáng của người lao động".

"Nhưng như tôi đã nói, trong năm qua Bạch Mai có nhiều khó khăn, nguồn thu giảm 2000 tỷ so với năm 2019, bệnh viện thực hiện cải cách để tăng chất lượng điều trị hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Làm việc  trong môi trường áp lực, đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai chăm sóc toàn diện, bệnh nhân nằm ghép, hạn chế người nhà vào chăm sóc vì dịch Covid-19... khiến nhân viên y tế vất vả hơn nhưng thu nhập lại giảm ít nhất 30%, chắc chắn rất khó để hài lòng, nếu tỉ lệ "hài lòng" cao trong bối cảnh này cũng không thuyết phục", ông này nói.

Đặc biệt năm 2020 Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên của cả nước thực hiện cơ chế tự chủ. Câu chuyện phải hoạch toán hiệu quả chi phí để đủ vận hành bệnh viện là áp lực rất lớn với lãnh đạo bệnh viện. Theo đó bệnh nhân giảm, giảm giường dịch vụ, đưa giá dịch vụ về giá của bảo hiểm… 

Nỗ lực đem lại sự hài lòng cho người bệnh và nhân viên

Bệnh viện đã rất nỗ lực để chăm lo đời sống cán bộ y tế. Giám đốc BV Bạch Mai có quan điểm: Bệnh nhân là khách hàng của bệnh viện, phải đáp ứng hài lòng khách hàng. Còn với lãnh đạo, nhân viên bệnh viện là khách hàng của giám đốc, làm sao nhân viên hài lòng là sự nỗ lực ưu tiên của giám đốc.

"Trên thực tế, BV đã rất nỗ lực để đem đến sự hài lòng của nhân viên y tế. Trong năm 2020, dù nguồn thu bệnh viện khó khăn, giảm 30% nhưng bệnh viện vẫn bỏ 140 tỷ đồng bù đắp thu nhập cho cán bộ viên chức, trong đó có bổ sung 2 tháng lương. Có những nhân viên một lúc nhận được mấy chục triệu trong thời điểm khó khăn đó, đó là một nỗ lực rất lớn của bệnh viện.

Hay trước đây chỉ có lãnh đạo khoa mới được tổ chức sinh nhật nhưng hiện nay, tất cả nhân viên đều được nhận tin nhắn chúc mừng của lãnh đạo, kèm 300.000 đồng. Dịp 8/3, nam giới cũng được nhận 500.000 đồng", vị lãnh đạo này nói.

Vị lãnh đạo này cho biết, Bệnh viện luôn đặt lợi ích bệnh nhân lên số 1, phải đem lại dịch vụ tốt nhất có thể cho người bệnh trong khả năng của bệnh viện. Thứ 2 trong nội bộ quan tâm, nỗ lực tối đa để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên. Bệnh viện luôn kỳ vọng, mong muốn nhân viên y tế hài lòng, gắn bó với bệnh viện.

"Tôi đã nghe phản hồi của cán bộ ra đi. Thực tế những cải cách này đã phổ biến công khai dân chủ mới triển khai. Nhưng với 4.300 con người, không thể nào trọn vẹn. Mọi thay đổi đều không dễ dàng gì, bắt mọi người vất vả hơn để đạt được thay đổi nhưng trước mắt nhiều người chưa thấy lợi ích.

Ví dụ, thay vì 7h30 làm việc, nhiều người phải làm ca 5 giờ để phục vụ những bệnh nhân ngoại tỉnh đến rất sớm. Rõ ràng vất vả hơn, nhưng sẽ đem lại sự chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, người bệnh hài lòng, quay trở lại khám, nguồn thu bệnh viện sẽ tăng", lãnh đạo này cho biết.

Bệnh viện sẽ phải nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng, đó là sự sống còn trong cơ chế tự chủ.

"Còn rất nhiều bệnh nhân đến Bạch Mai khen chất lượng dịch vụ, tinh thần thái độ cán bộ thay đổi. Tại sao lại có được điều này, là do bệnh viện quyết liệt trong xử lý những vi phạm về tinh thần thái độ của nhân viên y tế với người bệnh.

Có những người nhìn thấy quyết định kỉ luật toát mồ hôi, nhưng những người khác nhìn vào sẽ thay đổi tư duy, suy nghĩ, thay đổi thái độ với người bệnh. Nếu không quyết liệt trong chỉ đạo, phòng hơn chữa như thế thì sao thay đổi được", vị lãnh đạo này phân trần.

"Mong muốn lớn nhất của bệnh viện là toàn thể nhân viên cứ cùng đồng hành, đặt hài lòng của người bệnh lên trước hết thì càng ngày sẽ càng có đông bệnh nhân. Bệnh nhân chính là khách hàng, có khách hàng sẽ có thu nhập. Còn các nút thắt về cơ chế tài chính sẽ kiến nghị để Chính Phủ, Bộ Y tế tháo gỡ", ông nói tiếp

Theo đó, từ tháng 2/2020 bệnh viện tự chủ nhưng cơ chế tài chính chưa đồng bộ. Với 80% bệnh nhân điều trị có bảo hiểm y tế, theo Nghị quyết 33, phải thu đúng giá bảo hiểm y tế. Còn dịch vụ tự nguyện, hiện Bộ Y tế chưa đưa ra khung giá trần, trong khi đó chỉ còn 10 tháng nữa là kết thúc thí điểm tự chủ.

Vị cán bộ cho biết, mỗi chính sách mới rất khó để vừa lòng tất cả mọi người. Nếu có vài ý kiến không hài lòng nhưng chính sách đó nếu thay đổi là cần thiết thì cần quyết liệt làm. Không phải vì vài cá nhân mà dừng thay đổi.

Hồng Hải

Theo Dân trí