Câu hỏi của lạc đà con và bài học về ranh giới của vùng an toàn

Mỗi người chúng ta sẽ không thể phát huy hết khả năng của bản thân nếu bị kìm hãm trước sự áp đặt, rào cản tâm lý và ranh giới của "vùng an toàn".

Câu chuyện hai mẹ con lạc đà và bài học vượt qua rào cản cuộc sống

Hai mẹ con lạc đà đang nằm dưới gốc cây. Lạc đà con quay sang hỏi lạc đà mẹ:

- Mẹ ơi, tại sao chúng ta lại có bướu?

Lạc đà mẹ trả lời:

- Chúng ta là động vật sa mạc, chúng ta cần có bướu trữ nước để sống sót trong môi trường khan hiếm nước này.

Lạc đà con suy nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp:

- Vậy tại sao chân chúng ta lại dài và tròn hả mẹ?

- Nhờ đôi chân dài tròn ấy, chúng ta có thể đi trên sa mạc tốt hơn những loài khác con à – Lạc đà mẹ giải thích.

Chưa hết sự tò mò, lạc đà con hỏi thêm:

- Tại sao lông mi của chúng ta lại dài như này ạ, đôi khi con cảm thấy thật vướng, nó cản trở tầm nhìn của con.

Lạc đà mẹ trả lời:

- Lông mi chúng ta dài để bảo vệ đôi mắt khỏi cát trên sa mạc mỗi khi trời nổi gió đó con.

Sau khi được giải đáp mọi thắc mắc, lạc đà con nói:

- À con hiểu rồi. Cái bướu là để chứa nước khi chúng ta ở trong sa mạc, đôi chân để đi qua sa mạc và đôi mắt này bảo vệ mắt chúng ta khỏi sự khắc nghiệt của thời tiết trên sa mạc. Vậy chúng ta ở sở thú này để làm gì hả mẹ?

cau-hoi-cua-lac-da-con-va-bai-hoc-ve-ranh-gioi-cua-vung-an-toan

Mỗi người cần vượt qua "vùng an toàn" để tận dụng hết những tiềm năng của bản thân (Ảnh minh họa)

Bài học triết lý từ câu hỏi của lạc đà con

Cuộc trò chuyện của hai mẹ con lạc đà khiến chúng ta bất giác nhìn lại chính mình. Lạc đà có rất nhiều tiềm năng nhưng tất cả những tiềm năng đó đều bị thui chột bởi nó bị nhốt trong sở thú. Nếu được sống đúng với môi trường sa mạc, nó sẽ phát huy được hết tiềm năng của mình. Tuy có nhiều tiềm năng là thế, nhưng khi sống ở một nơi không dành cho mình, mọi tiềm năng đều trở nên vô dụng.

Con người ta cũng vậy, ai cũng có những năng khiếu riêng, những điểm mạnh của mình. Khi chúng ta được sống và làm việc trong môi trường phù hợp, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Nếu ta bị kìm hãm, bị bó buộc vào vùng an toàn, chúng ta sẽ bị lùi lại trước sự phát triển không ngừng của cuộc sống. Một đứa trẻ đam mê nghệ thuật sẽ không thể bộc lộ năng khiếu của mình nếu bị áp đặt vào học trường kinh tế, hay như một vận động viên điền kinh sẽ không thể tiến xa hơn nếu anh ta chỉ cho phép mình nỗ lực chạy trong một cự ly nhất định.

Cũng giống như lạc đà, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều sở hữu một chếc “chuồng”. Chiếc chuồng tựa như những rào cản tâm lý chứa đựng những do dự, những sự nhút nhát, lười biếng, không dám đương đầu. Chiếc chuồng ấy ngăn cản những ý tưởng đột phá, cản bước ta tìm tòi cái mới và phát huy những khả năng vốn có. Chiếc chuồng ấy còn là những áp đặt từ phía gia đình và xã hội.

Nếu mỗi người không bản lĩnh bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chúng ta sẽ mãi chỉ như những con lạc đà bị nhốt trong sở thú, sống sót qua ngày và sống một cuộc sống tẻ nhạt đến cuối đời.

Theo GiaDinhVietNam