Cảnh giác thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng gọi điện chiếm đoạt tài sản

Sau khi gọi điện, dưới vỏ bọc điều tra, xác minh, các đối tượng thường yêu cầu bị hại kê khai toàn bộ tài sản hiện có và yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, mã OTP để chúng thực hiện giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản...

Giả danh cơ quan chức năng gọi điện chiếm đoạt tài sản

Tại TP Huế, thời gian qua cơ quan công an đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân trình báo cơ quan chức năng về việc nhận các cuộc gọi thông báo việc có sai phạm liên quan đến bản thân. Sau đó, yêu cầu họ chuyển tiền để không bị xử lý các vi phạm. Một số trường hợp vì "nhẹ dạ, cả tin" đã thực hiện giao dịch chuyển tiền dẫn đến bị kẻ gian chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an TP Huế, gần đây nhất, trường hợp bà P. (trú phường An Cựu, TP Huế) – tên nhân vật được thay đổi, nhận được điện thoại của một số người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ công an của Bộ Công an. Những người này yêu cầu bà P. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền đang gửi tại các ngân hàng. Sau đó, thông báo bà P. liên quan đến vụ án "Ma túy và rửa tiền" đồng thời đe dọa sẽ thi hành lệnh bắt đối với bà P.

Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu không được để lộ thông tin với cả người nhà và yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền bà P. có để các đối tượng quản lý tránh việc bà P. tẩu tán số tiền này. Do lo sợ và tin lời các đối tượng nên bà P. đã ra ngân hàng để rút tiền từ sổ tiết kiệm chuyển vào các tài khoản mà đối tượng cung cấp với 9 lần chuyển vào 3 tài khoản ngân hàng khác nhau tổng số tiền là 1.3 tỷ đồng.

Sau khi chuyển tiền xong các đối tượng gọi điện yêu cầu bà P. ở yên trong phòng, không được nói cho ai biết sự việc. Sau đó, bà P. mới phát hiện ra mình bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên nên đến cơ quan công an trình báo.

Trao đổi với PV, Trung tá Lê Ngọc Minh - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Huế cho biết, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng đó là dùng các dịch vụ có chức năng giả mạo số điện thoại để gọi cho bị hại và mạo danh là cán bộ các cơ quan nhà nước như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Sau đó, thông báo bị hại hiện đang có liên quan đến vụ án, chuyên án mà cơ quan ông an đang điều tra hoặc có quan hệ với các đối tượng đã bị cơ quan công an bắt giữ.

"Dưới vỏ bọc điều tra, xác minh, chúng thường yêu cầu bị hại kê khai toàn bộ tài sản hiện có và yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, mã OTP để chúng thực hiện gia dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của bị hại", Trung tá Lê Ngọc Minh cho hay.

Lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Huế khuyến cáo người dân phải hết sức cảnh giác, bình tĩnh, từ chối làm việc qua điện thoại. Yêu cầu những đối tượng tự xưng công an, ciện kiểm sát, tòa án gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến công an địa phương nơi mình cư trú.

Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như, bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại. Không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào. Khi gặp phải những trường hợp như trên, cần báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.

canh-giac-thu-doan-gia-danh-co-quan-chuc-nang-goi-dien-chiem-doat-tai-san

Ảnh minh họa.

Cảnh giác nhiều thủ đoạn lừa đảo qua Internet

Công an TP Huế cũng cảnh báo người dân về một số phương thức, thủ đoạn các đối tượng hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet sử dụng. Cụ thể, thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức hack các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…).

Theo đó, các đối tượng có khả năng về công nghệ, chiếm đoạt quyền điều khiển các tài khoản mạng xã hội chủ yếu là Facebook, Zalo, Viber của một người, sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân, những người có mối quan hệ với người đó để vay mượn tiền rồi chiếm đoạt tài sản của họ.

Thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức yêu cầu chuyển tiền để nhận hàng, tiền, quà từ nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo chủ động kết bạn, làm quen với bị hại để tạo lòng tin, sao đó hứa hẹn chuyển tiền, quà tặng có giá trị lớn cho bị hại. Để có sự tin tưởng của bị hại, các đối tượng này còn chụp các hình ảnh về gói bưu phẩm, phiếu chuyển hàng và gửi cho bị hại xem. Sau đó, bị hại sẽ nhận được cuộc gọi từ một đối tượng mạo danh là nhan viên hải quan sân bay, cán bộ thuế. Đối tượng này chiếm đoạt tài sản của bị hại bằng cách yêu cầu bị hại đòng các khoản thuế, tiền phí để nhận được quà.

Thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức mua bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng, chạy đơn hàng để nhận tiền hoa hồng. Với thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo tạo một trang Facebook hoặc trang Web giả mạo là doanh nghiệp, công ty chuyên nghiệp. Khi có người liên hệ thì các đối tượng yêu cầu chuyển khoản toàn bộ hoặc đặt cọc mua hàng, sau đó chúng ngắt liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó. Ngoài ra, với hình thức chạy đơn hàng tuyển cộng tác viên nhận hoa hồng cho mỗi sản phẩm bán ra. Các đối tượng lừa đảo đã dùng phương thức thủ đoạn tạo lòng tin ban đầu sau đó chiếm đoạt hết tiền cộng tác viên đã thanh toán đơn hàng.

Thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức cho vay qua mạng. Các đối tượng thường tự xưng là nhân viên các công ty tài chính rồi điện thoại, nhắn tin tư vấn cho nạn nhân. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân, các đối tượng hướng dẫn họ làm hồ sơ, thủ tục vay vốn, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để làm hồ sơ. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, chúng không giải ngân tiền vay như thỏa thuận, ngắt liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức giả mạo nhân viên ngân hàng, nhân viên nhà mạng di động hoặc giả mạo trang Website của ngân hàng. Thủ đoạn lừa đảo này, các đối tượng thường gửi email, tin nhắn điện thoại hoặc tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên nhà mạng viễn thông, liên lạc với bị hại. Chúng yêu cầu bị hại cung cấp các thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu và mã xác thực OTP của tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu bị hại truy cập váo các trang Web giả mạo do chúng tạo ra để đánh cắp thông tin tài khoản người dùng. Sau đó, chúng lấy các thông tin mà bị hại cung cấp để đăng nhập vào tài khoản của bị hại và chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn giả chuyển khoản nhầm rồi ép trả lãi suất cắt cổ. Thủ đoạn này, các đối tượng sau khi có được thông tin cá nhân của người dùng tài khoản ngân hàng như tên, tuổi, địa chỉ hay số điện thoại của người dân thì các đối tượng sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến cho người dùng tài khoản. Sau đó đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính yêu cầu trả lại số tiền kia cùng với khoản lãi suất cao.

Thủ đoạn kêu gọi đầu tư các sàn giao dịch ngoại hối trái phép với siêu lợi nhuận. Hiện nay, các sàn giao dịch ngoại hối trái phép tại Việt Nam phát triển với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau. Biến thể thành mô hình kinh doanh đa cấp như sàn giao dịch vàng, chứng khoán, bitcoin đánh vào sự nhẹ dạ cả tin và lòng tham của người dân với cam kết siêu lợi nhuận đồng thời để người chơi thắng vài lần chơi đầu lấy lòng tin, từ đó các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng...

Theo GiaDinh