Cảnh giác đông trùng hạ thảo giá rẻ thực chất là nhộng trùng thảo chỉ có tác dụng như nấm ăn

Nhiều loại nấm được quảng cáo là đông trùng hạ thảo, bán giá rẻ trên chợ mạng thực chất có tác dụng không khác loại nấm ăn thông thường, có rất ít hoặc không có dược chất.

Giá rẻ... chất lượng dởm?

Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) từng phản ánh qua bài viết: “Thị trường đông trùng hạ thảo nở rộ: Loạn giá, loạn chất lượng!”, hiện nay, rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là đông trùng hạ thảo nhưng mập mờ về nguồn gốc khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được. 

Tiếp tục tìm hiểu thị trường này, phóng viên nhận thấy một thực trạng, không ít sản phẩm đang quảng cáo là đông trùng hạ thảo giá rẻ, được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, chợ mạng và các nền tảng số khác, thực chất chỉ là giá thể cây nấm hay còn gọi là nhộng trùng thảo, có tác dụng như nấm ăn thông thường, không có hoặc ít hoạt chất. 

canh-giac-dong-trung-ha-thao-gia-re-thuc-chat-la-nhong-trung-thao-chi-co-tac-dung-nhu-nam-an

 Người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là nhộng trùng hạ thảo và đông trùng hạ thảo

Có thể thấy, trên sàn thương mại điện tử Lazada, loại nhộng trùng thảo này đang được "gắn mác" nấm đông trùng hạ thảo sấy khô, giá chỉ 26.000 đồng/100g, 120.000 đồng/500g. Trên  Shopee, sản phẩm này được niêm yết giá 152.000 đồng/500g, hoặc 37.000 đồng/100g; loại tươi giá 50.000 đồng/100g do được cho là nhiều dược tính hơn.

Với những người tiêu dùng ít hiểu biết, chỉ quan sát bằng mắt thường và đặt niềm tin vào cửa hàng thì rất khó có thể phân biệt được sản phẩm này thực chất là gì. Bởi hiện nay, đông trùng hạ thảo Tây Tạng, có giá từ 7 - 10 triệu đồng/10g, được tính theo chất lượng và số lượng từng con. Đặc biệt, có loại hàng vip giá từ 12 -15 triệu đồng/10g, tương đương trên dưới 1 tỷ đồng/1kg.

Ông Đào Huy Cương - Chủ cơ sở nấm đông trùng hạ thảo hữu cơ Huy Cương (tỉnh Lai Châu) cho biết, giá thể để trồng nấm ký sinh trên trùng có thể là nhộng tằm, tằm tươi, sâu chít, gạo lứt…

Sản phẩm được trồng hoàn toàn hữu cơ có giá trung bình 3 triệu đồng/100g (30 triệu đồng/kg), sợi nấm đỏ cam đều. Muốn đưa ra thị trường, nấm phải có giấy kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, không có loại nấm đông trùng hạ thảo nào giá bán rẻ mà đảm bảo chất lượng.

Nguyên nhân của hiện trạng trên là do loại nhộng trùng thảo này về bản chất cũng gần giống với đông trùng hạ thảo, nhưng khác nhau về hình dáng, màu sắc, chất lượng và chu kỳ sinh trường.

Tuy nhiên, hiện nay, loại nấm đông trùng hạ thảo đang được nuôi cấy ký sinh trên một số trùng, có hình dáng kích thước gần giống với nhộng trùng hạ thảo nên đã bị lợi dụng để "gắn mác" kinh doanh.

Hơn nữa, các đại lý, cửa hàng nắm được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng nên đã trà trộn, hoặc cố tình mập mờ "gắn mác" khác về nguồn gốc của sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng. Do vậy, những sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, khô có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng thực chất chỉ là một cú lừa, không nhiều người tiêu dùng có đủ kinh nghiệm để hiểu cặn kẽ. 

canh-giac-dong-trung-ha-thao-gia-re-thuc-chat-la-nhong-trung-thao-chi-co-tac-dung-nhu-nam-an

 Cảnh báo của một khách hàng sau khi đã trải nghiệm

Bản chất như nấm ăn thông thường

Ông Đinh Minh Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Nấm học Việt Nam cho biết, loài nấm được "gắn mác" đông trùng hạ thảo màu vàng cam trên thị trường hiện nay có tên khoa học cordyceps militaris, tên tiếng Việt là “nhộng trùng thảo” hay “bắc trùng thảo”. Loài nấm này khác với đông trùng hạ thảo (tên khoa học là cordyceps sinensis, hiện nay có điều chỉnh là ophiocordyceps sinensis).

canh-giac-dong-trung-ha-thao-gia-re-thuc-chat-la-nhong-trung-thao-chi-co-tac-dung-nhu-nam-an

 Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác để tránh bị mắc bẫy khi phân biệt sản phẩm

Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, nhộng trùng thảo được lai tạo theo hai hướng, chuyên dược liệu và chuyên rau cao cấp. Lượng hoạt chất trong hai loại này khác nhau do công nghệ nuôi trồng cũng khác nhau.

Ở Việt Nam, có một số doanh nghiệp trồng nấm này dạng rau cao cấp, nhưng đa số sản xuất theo hướng chuyên dược liệu, xây dựng phòng nuôi trồng có kiểm soát các điều kiện nhiệt độ và ẩm độ từ đầu vào đến đầu ra, sử dụng giống nấm hướng dược liệu, nên sản phẩm thu được thường có hàm lượng hoạt chất cao, tuy nhiên quy mô cũng chưa lớn.

Hiện nay, trên thị trường đa số là nấm nhộng trùng thảo của Trung Quốc, có màu vàng nhạt hoặc phần gốc nhạt hơn phần ngọn, không đều màu do trồng công nghiệp, sử dụng nhiều chất tăng trưởng. Loại nấm này ở Trung Quốc có phương pháp trồng khá đơn giản, trồng trên khay nhựa như trồng rau mầm và quy mô lớn nên giá rất rẻ. 

Do đó, có thể thấy các loại nấm được quảng cáo là đông trùng hạ thảo đang bày bán công khai với giá rẻ trên thị trường hiện nay thực chất không phải nấm đông trùng. Vì thế, người tiêu dùng hết sức cảnh giác và lưu ý tránh mua phải hàng giả.

Tìm hiểu và phân biệt Đông trùng Hạ thảo và nhộng trùng thảo

Về phân bố địa lý

Đông trùng Hạ thảo có tên khoa học là Cordyceps sinensis. Đông trùng Hạ thảo sinh trưởng trong tự nhiên và phân bố chủ yếu ở các cao nguyên có độ cao hơn mặt nước biển từ 3.500 - 5.000m, ở dãy Himalaya như: Tây Tạng, Bhutan, Nepal.

Nhộng trùng thảo có tên khoa học là Cordyceps militaris. Loài này thường được tìm thấy ở độ cao từ 0 - 2.000m tại nhiều nơi trên thế giới. Cordyceps militaris hiện đang được nuôi cấy nhân tạo ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Hình thức ký sinh

Đối với Đông trùng Hạ thảo, ký chủ là sâu bướm Thitarodes vùng Tây Tạng. Còn Nhộng trùng thảo, ký chủ là nhộng tằm, sâu bướm và côn trùng cánh cứng, cánh mềm.

Vòng đời

Đông trùng Hạ thảo có vòng đời rất thú vị: Mùa đông là con sâu, mùa hè là cây cỏ. Mùa đông, khi ấu trùng của sâu bướm chui xuống đất để trú đông, chúng vô tình nhiễm phải bào tử nấm. Sau đó, bào tử nấm sẽ dùng hết chất dinh dưỡng của loài sâu bướm này và giết chết vật chủ. Mùa hè đến, từ đầu con sâu mọc lên chồi dạng như cây cỏ nên được gọi là Hạ thảo.

Nhộng trùng thảo cũng là dạng nấm ký sinh trên sâu, nhộng, côn trùng nhưng vòng đời không tuân theo nguyên tắc “Đông trùng- Hạ thảo”.

Đặc điểm nhận dạng

Đối với Đông trùng Hạ thảo: Hình thái duy nhất của loài này là cây nấm mọc trên đầu con sâu. Phần thân (đông trùng) có màu nâu nhạt, phần cây (hạ thảo) có màu nâu sậm.

Đối với Nhộng trùng thảo: Quả thể nấm có thể mọc trên bất kỳ bộ phận nào của con sâu. Thân cây nấm có màu vàng cam ngả hồng, đầu nấm dạng chùy.

Theo VietQ