Cánh cửa CPTPP được mở, có chất lượng nông sản mới vào được các nước

Nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, nông sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile là sự kiện được nóng được dư luận nói chung và các doanh nghiệp nói riêng hết sức quan tâm. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với sự tham gia của 11 quốc gia xuyên hai bờ Thái Bình Dương cùng các cam kết sâu rộng về thúc đẩy môi trường kinh doanh rộng mở, CPTPP được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Theo nội dung cam kết của CPTPP thì những mặt hàng nông sản như hạt điều, nhãn, vải và thanh long… của Việt Nam sẽ được vào thị trường Peru với mức thuế nhập khẩu 0% thay vì 9% như hiện nay. Điều này cũng diễn ra tương tự với nhiều thị trường khác trong CPTPP...

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản trong nước như cao su, gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả tươi cũng có nhiều cơ hội hơn trong thâm nhập thị trường nước ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi để mở rộng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP thì theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), CPTPP là một hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn và đòi hỏi rất cao về sự minh bạch đối với hàng hóa và đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc.

Các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại. Đồng thời, CPTPP còn đề cập đến các lĩnh vực như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Cánh cửa CPTPP được mở, có chất lượng nông sản mới vào được các nước

Nông sản Việt đang đứng trước cơ hội xuất khẩu số lượng lớn sang các nước CPTPP nếu đảm bảo chất lượng. Ảnh: VietnamPlus 

Với những quy định mà CPTPP dự kiến thực hiện, nông sản Việt không chỉ chịu sự cạnh tranh với các thị trường tham gia CPTPP mà còn chịu sự cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Do vậy, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu nông sản vào các nước thành viên CPTPP, thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước đến từ việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, quản lý lao động và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối.

Liên quan tới vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Trần Duy Khanh cho rằng, đối với các mặt hàng nông sản Việt, các sản phẩm chế biến như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng… sẽ phải chịu cạnh tranh lớn nhất. Bởi lẽ trước đây, nhiều sản phẩm gia cầm nước ngoài vào Việt Nam với giá rẻ hơn sản phẩm trong nước đã khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn.

Đến nay, việc tham gia CPTPP với mức thuế giảm xuống 0% sẽ càng tạo áp lực lớn hơn cho ngành chăn nuôi trong nước vì đa số các cơ sở chăn nuôi còn nhỏ lẻ, quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được chú trọng dẫn tới kịch bản thất thế của doanh nghiệp Việt về giá cả và chất lượng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền – Thành viên nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để tận dụng được cơ hội CPTPP đòi hỏi doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa việc đưa hàng hóa của mình thâm nhập sâu rộng vào thị trường các nước trong khối CPTPP.

Để làm được điều này, ngoài việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm thì còn phải chú ý tới việc làm sao để tối ưu hóa quá trình sản xuất, tạo nên một mức giá cạnh tranh, hấp dẫn đối với các đối tác ngước ngoài.

Cũng theo Tiến sĩ Điền, “xây phải đi đôi với chống”, có nghĩa là khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối nội địa vững chắc với sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề, cũng như tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách nhà nước. 

Bảo Bình

Theo VietQ