Cảnh báo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau quả

Rau quả là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống nhưng thực phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Nhận định về tình trạng an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, những chất độc hại có trong rau quả hiện nay chủ yếu là các hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ dại, tuyến trùng...và phân đạm vô cơ.         

Mặc dù, trước đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Danh mục "Quy định các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau quả". Nhưng trong thực tế hiện nay ở nhiều địa phương vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm để phun trừ sâu, bệnh, cỏ dại và bảo quản rau quả không đúng qui định đã dẫn đến hàm lượng các hoá chất độc hại tồn dư quá lớn so với qui định trên các loại rau quả thiết yếu hàng ngày.

Cảnh báo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau quả
Rau quả tồn dư hợp chất bảo vệ thực vật sẽ gây hại cho sức khỏe người dùng. 

Theo Bộ NN&PTNT, nhóm thuốc bảo vệ thực vật trên chứa Clo khi phun cho rau quả chúng sẽ tạo thành hợp chất Perexit rất độc hại cho người sử dụng vì nó không có mùi, không vị nên rất khó phát hiện.

Đặc biệt, các hợp chất thuốc bảo vệ thực vật có chứa phospho rất độc hại với hệ thần kinh và cơ quan nội tạng của động vật và con người. Khi ăn phải các loại rau quả có chứa các hoá chất độc hại này thì cơ thể con người không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống gây lên nhiều bệnh tật nguy hiểm trên con người như đãng trí, giảm thị lực và sức đề kháng... thậm chí là ung thư.

Ngoài các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học (nhất là đạm vô cơ) và các chất kích thích sinh trưởng được người trồng rau sử dụng bón với liều lượng vượt quá quy định nhằm làm tăng độ hấp dẫn của các loại rau đối với người tiêu dùng và không đảm bảo thời gian cách ly trược khi thu hoạch.

Quá trình sử dụng phân bón như vậy đã để lại dư lượng đạm vô cơ vượt quá mức qui định trên các loại rau quả, nhất là đối với nhóm rau ăn lá. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc đạm nitorat đối với người tiêu dùng.

Bộ NN&PTNT “mách” nhận biết rau quả nhiễm hóa chất

Theo Bộ NN&PTNT, việc nhận biết rau quả ngâm hóa chất hay không mắt thường khó phân biệt nhưng để hạn chế tác hại của các loại hoá chất nông nghiêp độc hại tồn dư trong rau quả thì người tiêu dùng cần tuân thủ các yêu cầu như chỉ nên mua rau quả ở những nơi bán có uy tín, rau quả phải còn tươi ngon, không bị dập lát hư thối.

Đặc biệt, người tiêu dùng nên hạn chế và không nên sử dụng các loại rau quả trái mùa, hạn chế mua các loại rau quả có bề mặt bóng mượt, các loại quả trái mùa có cuống còn tươi vì đó là các loại rau quả không an toàn do sử dụng các hoá chất độc hại để bảo quản hoặc dùng các hoá chất bảo vệ thực vật có độ độc cao để phòng trừ sâu bệnh. Cần rửa sạch cuống quả vì đây là nơi tích trữ vi khuẩn và hoá chất độc hại.

Cảnh báo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau quả

Rau quả khi mua về cần phải được xử lý kỹ trước khi chế biến.

Trước khi chế biến cần bỏ rễ và lá vàng úa cần ngâm rau quả trong nước sạch, nước muối loãng hoặc dung dịch thuốc tím 1%, nước rửa rau quả trong vòng 25- 30 phút sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.

Khi xào nấu nên mở vung cho các loại hoá chất bảo vệ thực vật bay bớt ra ngoài vì đa số các loại thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc trừ cỏ... bị phân huỷ một phần ở nhiệt độ cao.

Nên nấu kỹ rau quả nhằm tăng độ an toàn. Đối với các loại rau gia vị và rau sống (xà lách, mùi, tía tô...) cần rửa kỹ và ngâm trong nước muối loãng trong vòng 30- 40 phút. Chú ý không nên ngâm quá lâu vì các chất vitamin và các chất dinh dưỡng có thể thẩm thấu qua màng tế bào tan vào trong nước.

Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng tránh ngộ độc thực phẩm qua nguồn rau quả, cần đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đại lý và các cửa hàng phân phối cũng như sự vào cuộc của người tiêu dùng và của toàn xã hội.

Theo Vietq