Cảnh báo phụ nữ bị mắc ung thư phổi ngày càng nhiều

Theo các bác sĩ, ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Trong đó, nhiều phụ nữ không hút thuốc lá vẫn ung thư, có thể do hút thuốc lá thụ động từ chồng, đồng nghiệp, người xung quanh… Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị ung thư phổi thường phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Cảnh báo phụ nữ bị mắc ung thư phổi ngày càng nhiều

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh ung thư phổi, tốt nhất không hút thuốc hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Ảnh: TL

Chồng “nhả khói”, vợ lĩnh… ung thư

Mới đây, thông tin diễn viên Mai Phương phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối đã khiến bạn bè và người hâm mộ không khỏi bàng hoàng khi tuổi đời của cô còn khá trẻ.

Trước đó, căn bệnh quái ác này cũng đã “cướp đi” quyền sống của nhiều bạn bè, đồng nghiệp văn/nghệ sỹ của cô. Việc này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo đối với nhiều người khi ung thư phổi có nguy cơ gặp ở bất kỳ ai, không phân biệt người già, người trẻ, nam hay nữ nếu không có lối sống lành mạnh và phương pháp phòng bệnh an toàn.

Thực tế, không chỉ giới văn/nghệ sỹ, ung thư phổi đã và đang là “kẻ thù” tàn phá nhiều gia đình Việt. Cách đây 5 năm, chị V.T.H (quê Đan Phượng, Hà Nội), bước vào tuổi 31 với cuộc sống gia đình êm ấm cùng chồng và hai con trai. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau đó, cuộc sống của chị hoàn toàn thay đổi sau đợt ho dai dẳng kéo dài và đến khám tại bệnh viện.

Khi nghe bác sĩ thông báo chị bị ung thư phổi đang tiến triển theo chiều hướng xấu, trời đất như sụp đổ trước mắt chị. Chị H chưa bao giờ nghĩ mình lại mắc căn bệnh tưởng chừng như chỉ có nam giới mới là nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi cấp tốc đi khám lại tại các bệnh viện đầu ngành về ung thư, chị mới tin đó là sự thật.

Và đau lòng hơn, khi phân tích nguyên nhân mắc bệnh, các bác sĩ cho rằng, chồng chị chính là người gián tiếp gây nên căn bệnh của chị vì anh là một người nghiện thuốc lá khá nặng, trung bình một ngày anh có thể “đốt” 1,5 bao thuốc. Do đó, việc chị H hít phải khói thuốc do chồng “nhả” ra mỗi ngày là điều không tránh khỏi.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Tạ Chi Phương – Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Xạ trị Ung thư phổi Công nghệ cao – Trưởng khoa Hóa chất (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) cho biết, đa số bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi đều ít nhiều liên quan đến thuốc lá.

Đó có thể là hút thuốc chủ động, có thể là hút thuốc thụ động hoặc thậm chí có người bỏ hút thuốc lá hàng chục năm vẫn có thể mắc ung thư phổi… Nhiều phụ nữ không hút thuốc lá vẫn ung thư, có thể do hút thuốc lá thụ động từ chồng, đồng nghiệp… Khói thuốc có thể tồn tại trong không khí hơn 2 giờ, ngay cả khi không còn nhìn hoặc ngửi thấy nữa. Do đó, những người thường xuyên sống hoặc làm việc cạnh người dùng thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc độc không kém người hút.

Chỉ có một số ít những người mắc ung thư phổi là không liên quan đến thuốc lá, trong đó có ô nhiễm khói xe, phóng xạ, các bệnh liên quan đến phổi. Độ tuổi mắc cũng ngày càng trẻ hóa hơn nhiều do liên quan đến yếu tố gia đình di truyền, cơ địa, gene…

Hầu hết phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn

Theo BS Tạ Chi Phương, ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị ung thư phổi thường phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ này chiếm đến 60 – 70%.

Trong đó, nhiều người chỉ tình cờ phát hiện được bệnh trong những đợt khám sức khỏe định kỳ của cơ quan, chứ ít người tự chủ động quan tâm đến sức khỏe bằng cách đi kiểm tra thường xuyên. Bởi các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi rất mơ hồ, khi có triệu chứng rõ ràng thì người bệnh đã bước vào giai đoạn muộn, giai đoạn 4 khó cứu chữa.

BS Tạ Chi Phương cho biết thêm, rất nhiều người, trong đó có giới văn/nghệ sỹ thường say mê với công việc mà vô tình lãng quên sức khỏe của bản thân. Nhiều khi, họ thấy cơ thể mệt mỏi, sụt cân lại nghĩ rằng do mình làm việc quá sức nên chủ quan không đi khám. Hơn nữa, ung thư phổi cũng dễ nhầm lẫn với lao phổi, viêm phổi nên nhiều người cứ đi chữa những bệnh này mà đánh mất “thời gian vàng” điều trị ung thư phổi, dẫn đến hậu quả đáng tiếc về sau.

Cũng như nhiều loại ung thư khác, ung thư phổi có thể được điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm. Với người ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống sót lên tới 70%. Ung thư phổi có thể được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị liệu, miễn dịch trị liệu hay các phương pháp khác.

Việc chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước, vị trí, giai đoạn bệnh… Bởi vậy, để phòng tránh bệnh, mọi người cần được tầm soát ung thư sớm. Nếu được phẫu thuật ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi có thể đạt 40-50%. Đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn (không còn khả năng phẫu thuật), tỷ lệ tử vong trong vòng 6 tháng tới một năm là 90%. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam lại phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, không còn khả năng điều trị triệt để, rất ít người còn có khả năng cắt khối u.

“Một số dấu hiệu sớm cần để ý là thấy mệt mỏi, ho 7 – 10 ngày đã điều trị kháng sinh không khỏi, dứt khoát phải đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa, không nên chủ quan. Bên cạnh đó nếu thấy khó thở, đau ngực, ho ra máu, sụt cân không rõ nguyên do… cũng cần kiểm tra ngay”, BS Phương khuyến cáo.

Theo nghiên cứu, khoảng1/2 trẻ em từ 13-15 tuổi và 2/3 phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động ngay tại gia đình ở Việt Nam. Ung thư phổi xảy ra ở phụ nữ, chiếm 20% ca bệnh. Trên thế giới, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Với phụ nữ mang thai, khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú, đẻ non, con sinh ra thiếu cân…

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư phổi, tốt nhất chị em nên tập thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời điều trị nếu phát hiện bệnh, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh mắc ung thư phổi cũng như các bệnh khác, nên ăn uống điều độ, đa dạng các loại vitamin, khoáng chất, rau xanh và các loại trái cây tươi trong mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, tạo thói quen sinh hoạt hợp lý như tập thể dục thể thao mỗi ngày; không hút thuốc cũng như tránh tiếp xúc với khói thuốc, môi trường bụi bẩn, ô nhiễm; hạn chế uống các loại nước ngọt có gas, có chứa chất kích thích. Đồng thời, ngủ đủ giấc và luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Theo GiaDinh