Cảnh báo mạng lưới hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép Atomy

Cảnh giác với đơn vị quảng cáo bán sản phẩm Atomy hoạt động dưới phương thức bán hàng đa cấp và dù được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Mới đây, theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương một số phản ánh về việc các hội nhóm cá nhân, có sự tham gia của người Hàn Quốc vẫn có dấu hiệu tiến hành các hoạt động hội thảo, hội nghị trực tiếp hoặc qua ứng dụng Internet như: Zoom Meeting, Zalo… để quảng cáo và bán sản phẩm mang tên Atomy; tuyển dụng, xây dựng đội nhóm người tham gia mạng lưới; và đào tạo, hướng dẫn về kế hoạch trả thưởng mang tên Atomy cùng với những lời hứa hẹn sẽ được tham gia kinh doanh cùng Atomy Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

canh-bao-mang-luoi-hoat-dong-kinh-doanh-da-cap-trai-phep-atomy

Để đảm bảo hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại không đáng có cho người dân, Cục CT&BVNTD cảnh báo: Tổ chức, cá nhân tham gia hoặc tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hành chính (theo quy định của Nghị định số 141/2018/NĐ-CP) hoặc bị xử lý hình sự (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

Mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm có thể lên tới 05 tỷ đồng hoặc 05 năm tù giam (tùy thuộc vào số tiền thu lợi bất chính hay mức độ thiệt hại gây ra hoặc quy mô mạng lưới người tham gia).

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Atomy không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp dân sự khác liên quan.

Tính đến nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp.

Trường hợp người dân phát hiện các doanh nghiệp không thuộc danh sách trên nhưng có dấu hiệu tiến hành hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp, Cục CT&BVNTD đề nghị người dân cung cấp thông tin về cho Cục CT&BVNTD hoặc Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường tại địa phương để tiến hành xác minh và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ra cảnh báo không sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Jeunesse không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, hiện nay trên Internet có đăng tải các nội dung giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng có tên “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse có khả năng điều trị được nhiều loại bệnh từ viêm phế quản, suy thận sơ gan đến cả bệnh nan y như ung thư.

Kèm theo đó, các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube cũng lan truyền những video clip hướng dẫn việc tham gia mạng lưới của Jeunesse cùng kinh doanh để nhận được những nguồn thu nhập thụ động hàng ngàn đô la mỗi tháng.

Qua tìm hiểu có thể thấy hoạt động tuyển dụng người và trả thưởng khi tham gia mạng lưới của Jeunesse có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) hiện nay chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse như trên theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Cục CT&BVNTD khuyến cáo để đảm bảo hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại cả về vật chất và pháp lý không đáng có cho người dân, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia hoặc tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hành chính (theo quy định của Nghị định số 141/2018/NĐ-CP) hoặc bị xử lý hình sự (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Jeunesse không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp dân sự khác liên quan.

Theo VietQ