Cảnh báo mắc sỏi thận từ thói quen cực xấu nhiều người dễ mắc phải

Theo các bác sĩ có rất nhiều nguyên nhân gây nên sỏi thận tuy nhiên phần đa xuất phát từ thói quen xấu của người dân.

Theo PGS.TS Đỗ Trường Thành – Trưởng khoa Phẫu thuật ngoại tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện nay bệnh lý sỏi tiết niệu chiếm 45 - 50% các bệnh tiết niệu ở nước ta. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 - 80%.

Nguyên nhân gây ra sỏi thận, PGS Thành cho biết có nhiều yếu tố gây ra sỏi thận nhưng chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu và canxi niệu, thay đổi pH nước tiểu (bình thường pH: 5,6 - 6,3), dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc hẹp đường tiết niệu mắc phải gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi.

canh-bao-mac-soi-than-tu-thoi-quen-cuc-xau-nhieu-nguoi-de-mac-phai

 Thói quen ăn mặn, ăn nhiều chất đạm cũng là nguy cơ gây sỏi thận. Ảnh minh họa

Đa số các trường hợp sỏi canxi không rõ nguyên nhân, một số tăng canxi do chế độ ăn uống, bệnh lý như mất nước, nằm bất động lâu, tăng canxi niệu gây sỏi hoặc do cường tuyến cận giáp gây tăng canxi, hạ phospho.

Tuy nhiên, hiện nay trong cuộc sống hàng ngày các nguyên nhân gây nên sỏi thận bác sĩ hay gặp đó là:

Sử dụng thuốc tùy tiện

Sử dụng thuốc tùy tiện của người dân là một trong những thói quen gây nên sỏi thận. Việc tự kê đơn, sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ có thể dẫn tới bệnh sỏi thận. Theo thống kê của các chuyên gia tại Anh quốc cho thấy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Một số nhóm kháng sinh được nhắc tới như: Cephalosporin, Penicillin...

Ăn quá mặn, nhiều đạm

Thói quen ăn mặn, ăn nhiều chất đạm cũng là nguy cơ gây sỏi thận. Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết canxi và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra, chúng còn làm giảm bài tiết chất citrate - chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi.

Trong những đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, lượng protit và chất béo nhiều sẽ tăng thêm hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi.

Uống ít nước

Uống ít nước, khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài điều này làm cho nước tiểu trở nên đậm đặc, tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại và gây bệnh sỏi thận.

Nhịn tiểu

Mọi người không nên nhịn tiểu, cần tránh để nước tiểu tồn lưu trong bàng quang. Nhịn tiểu là một thói quen không tốt cho sức khỏe nhất là có thể gây ra nguy hại cho thận của bệnh nhân. Nước tiểu được chứa trong bàng quang, trong khu vực xương chậu và được hỗ trợ bởi cơ xương chậu, chứa nước tiểu từ khi nhận cho đến khi nước tiểu được phóng thích ra bên ngoài.

Nhịn tiểu lâu, thường xuyên không chỉ gây hậu quả nặng nề như nhiễm trùng tiểu, bệnh lý về thận, sỏi thận, bàng quang, đường tiết niệu, làm giảm chức năng sinh lý… Trong đó vỡ bàng quang được coi là nguy hiểm nhất, nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hại sức khỏe.

Biến chứng của sỏi tiết niệu vô cùng nguy hiểm, PGS Thành cho biết, nhiều bệnh nhân chủ quan với sỏi vì nghĩ có thể sống chung với sỏi và đến khi gây ra các biến chứng nặng mới tới bệnh viện. Các biến chứng thường gặp nhất là nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận, giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận. Đặc biệt, sỏi thận có thể gây ra suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn thận.

Theo VietQ