CẢNH BÁO: Hình ảnh tổn thương đáng sợ của bàn tay vì nồi lẩu liên hoan cuối năm

Bàn tay nham nhở tổn thương, thậm chí có ngón tay không thể bảo tồn vì bỏng nặng do cồn, bếp gas mini khi nướng mực, cá, ăn lẩu... sẽ khiến bạn cân nhắc hơn khi sử dụng các loại bếp này liên hoan tất niên.

Vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán - dịp tụ họp của nhiều gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, lẩu được xem là một trong những món ăn “thịnh hành” nhất không chỉ ở quán xá mà ngay tại gia đình.

Tuy nhiên, việc sử dụng bếp gas mini để nấu lẩu đang được các bác sĩ cảnh báo mang lại nhiều nguy cơ tới sức khỏe và tính mạng người sử dụng.

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận một bệnh nhân 42 tuổi (Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Cụ thể, bệnh nhân bị bỏng tại vùng mặt, cẳng tay. Nặng nề nhất là chấn thương bàn tay trái gây cụt 3 ngón tay gồm ngón cái, trỏ, và ngón giữa.

canh-bao-hinh-anh-ton-thuong-dang-so-cua-ban-tay-vi-noi-lau-lien-hoan-cuoi-nam

Tổn thương nặng nề bàn tay khi bệnh nhân người Hà Tĩnh thay bình gas mini ăn lẩu

Vết thương ở hai ngón tay còn lại cũng vô cùng phức tạp. Khai thác từ người nhà bệnh nhân cho hay, khi ăn lẩu tại nhà bằng bếp gas mini, bệnh nhân đang thay bình gas mới thì bất ngờ bình phát nổ khiến bệnh nhân bị bỏng.

Với trường hợp này, các bác sĩ đã phải sửa mỏm cụt, giữ lại ngón 4, 5 và hiện kiểm soát các nguy cơ nhiễm trùng chặt chẽ.

Trước đó, đầu tháng 1/2019, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng phần mềm bàn tay bị bầm dập nặng. Tương tự như bệnh nhân ở Hà Tĩnh, nam bệnh nhân này khi đang ăn lẩu cần thay bình gas, không ngờ bình gas mini phát nổ, gây vết thương bàn tay trái.

Ngay lập tức, bệnh nhân được băng cầm máu vết thương và chuyển cấp cứu Bệnh viện TWQĐ 108.

canh-bao-hinh-anh-ton-thuong-dang-so-cua-ban-tay-vi-noi-lau-lien-hoan-cuoi-nam

Bệnh nhân này suýt mất toàn bộ bàn tay chỉ vì thay bình gas mini

Bác sĩ Vũ Hữu Trung – Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật nhận định bệnh nhân bị tổn thương vết thương phức tạp, dập và lóc da, bầm dập nặng phần mềm bàn tay, dập nát ngón I, V và đốt 2,3 ngón IV; gãy hở nền xương đốt 1 ngón III, IV.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã lên phương án xử lý bảo tồn bàn tay cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân đã qua xử trí cắt lọc vết thương, tạo mỏm cụt ngón V; đốt 1 ngón I và ngón IV và khâu da định hướng. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được thay băng, chăm sóc vết thương; dự phòng và xử trí hoại tử thứ phát, sau đó từng bước làm liền vết thương.

Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp “gánh họa” vì nổ bình gas mini được các bệnh viện ghi nhận trong thời gian gần đây.

BS Vũ Hữu Trung cảnh báo, việc sử dụng các loại bình gas cũ, không rõ nguồn gốc nhãn mác là điều “cấm kỵ” bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Người dân nên cẩn trọng khi sử dụng bình gas mini, chọn gas có nhãn mác, bình gas mini chỉ được sử dụng một lần, sau đó được vứt bỏ vì tái sử dụng không an toàn”, BS Trung nói.

Trong trường hợp người dùng bị bỏng gas, bác sĩ Trung cho hay, phải ngay lập tức tắt gas và di chuyển khỏi nơi khởi phát sự cố.

Một thói quen, sở thích nhiều người khi tụ hội tất niên, cuối năm là nướng mực, nướng cá bằng cồn, hoặc dùng bếp cồn nấu lẩu. Tại các khoa Bỏng lớn, thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tổn thương vùng mặt, ngực, tay... vì ngồi nướng cồn.

Các chuyên gia khẳng định, khi bị bỏng (dù vì bình gas mini, cồn, nước sôi...) cần dùng nước sạch xối lên vùng da bị bỏng, tuyệt đối không sử dụng những cách truyền miệng như bôi nước mắm, kem đánh răng lên vết bỏng... và đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Theo GiaDinh