Cảnh báo các cuộc gọi điện thoại giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo

Hiện nay tại các tỉnh miền Trung xuất hiện tình trạng sử dụng các cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực đòi tiền điện thậm chí còn dọa cắt điện nếu không đóng.

Những ngày qua, khách hàng sử dụng điện tại các tỉnh miền Trung liên tục nhận được các cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho người dân nếu thực hiện theo các yêu cầu của các đối tượng giả danh mà còn gây ảnh hưởng tới hoạt động của ngành điện.

Một khách hàng ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa gọi về tổng đài 19001090 để phản ánh với Trung tâm chăm sóc khách hàng Điện lực Miền Trung rằng: "Chị ơi cho em hỏi có số điện thoại 1733139 điện cho em bảo đóng 2 triệu tiền điện kinh doanh nhưng nhà em đâu có phải là điện kinh doanh đâu?". 

canh-bao-cac-cuoc-goi-dien-thoai-gia-danh-nhan-vien-dien-luc-de-lua-dao

 Cảnh giác trước các cuộc điện thoại giả danh nhân viên điện lực. Ảnh minh họa

Thực tế, từ đầu năm đến nay, 105 cuộc gọi của khách hàng phản ánh tình trạng mạo danh nhân viên ngành điện đòi tiền điện từ các đầu số lạ, cho dù có nhiều khách hàng đã đóng đủ tiền điện hàng tháng.

Hình thức của thủ đoạn lừa đảo này là yêu cầu người dân, tổ chức sử dụng điện nộp tiền vào số tài khoản vào do đối tượng gọi điện chỉ định. Do đó, nếu nhận được bất cứ cuộc gọi yêu cầu thanh toán tiền điện vào một tài khoản được chỉ định hoặc các yêu cầu khác từ các đầu số trong nước cũng như quốc tế, khách hàng sử dụng điện tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào.

Tình trạng giả danh ngành điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân là không mới, nhưng cũng có trường hợp cả tin bị lừa với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Vì thế, khi nhận được các cuộc gọi đòi tiền điện từ các đầu số lạ, người dân cần kiểm tra lại thông tin sử dụng điện của gia đình và phối hợp với ngành điện ngăn chặn các trường hợp thu tiền điện trái phép của các đối tượng lừa đảo.

Hiện nay, Tổng Công ty điện lực Miền Trung đã triển khai các kênh thanh toán tiền điện qua các phương tiện như website, ứng dụng EVN CPC - Chăm sóc khách hàng trên IOs và Android; trích nợ tự động thông qua ngân hàng; thanh toán qua Internet banking/Mobile banking, qua Zalo Pay, qua QR Code trên hóa đơn hàng tháng, qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, qua các ví điện tư như VN Pay. Đây là các kênh thanh toán tiền điện chính thống, khách hàng chỉ thanh toán tiền điện qua các kênh thanh này; mọi yêu cầu nộp tiền điện khác đều là giả danh ngành điện.

Không chỉ giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo tiền điện mà trước đó tại Cà Mau còn xuất hiện đối tượng giả danh nhân viên điện lực để đi bán thang xếp ngành điện với giá cao.

Theo chủ tài khoản H.L đã đăng tải dòng trạng thái này cho biết, Nhóm đối tượng có 2 người, mặc trang phục của ngành điện đi trên 1 xe mô tô mang biển số TP Hồ Chí Minh. Nhóm người này đã lân la ở nhiều nơi tại địa bàn thành phố Cà Mau để bán thang xếp ngành điện, với giá vài triệu đồng cho mỗi thang.

Tìm hiểu từ anh Nguyễn Văn H, phường 5, TP Cà Mau, người từng tiếp xúc với nhóm đối tượng này, cho biết: “Cách đây ít ngày, trong lúc đang tưới cây trước nhà, thì có 2 người mặc trang phục ngành điện tiếp cận và nói với tôi có một thang xếp được cơ quan cấp dư muốn bán lại với giá 6 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bị từ chối không mua thì các đối tượng này ngã giá 2 triệu, đồng thời đem thang vào cửa nhà, khi bị từ chối và đòi mời Công an thì các đối tượng này mới bỏ đi. Sau khi xem lại bài đăng trên facebook thì đúng là những đối tượng này”.

Bên cạnh hành vi trên, một tài khoản "Phường 9 24h" cũng đã đăng clip được cắt từ camera an ninh cảnh báo một số đối tượng giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo thu tiền sử dụng điện của người dân.

Theo VietQ