Cần xác định đối tượng giàu - nghèo khi miễn, giảm tiền điện vì dịch COVID-19?

Theo chuyên gia, đề xuất giảm tiền điện sinh hoạt cơ bản của EVN trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp là rất đúng đắn, tuy nhiên, EVN nên và cần xác định đối tượng được miễn hoặc giảm tiền điện.

Trước nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ và EVN hỗ trợ chi phí điện sinh hoạt cơ bản trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội cho thấy, 100% người dân đều đồng tình, ủng hộ đề xuất trên.

Ông Nguyễn Văn Hùng (45 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, EVN hỗ trợ miễn, hoặc giảm chi phí điện sinh hoạt trong giai đoạn này là hết sức cần thiết, đặc biệt là bắt đầu từ thời điểm Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly xã hội có hiệu lực.

Bởi theo ông Hùng: "Từ ngày 01/4, hai vợ chồng chính thức làm việc tại nhà, chắc chắn các chi phí khác cũng sẽ tăng theo như tiền điện, internet, nước… vì vậy, trong giai đoạn người dân phải "thắt lưng buộc bụng" để dành nguồn chi cho lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… thì tôi cho rằng, các đơn vị điện, nước có thể hỗ trợ người dân bằng cách giảm lợi nhuận, chiết khấu trên mỗi hóa đơn điện. 

Thậm chí, EVN có thể cắt bỏ thời gian tính điện theo khung giờ cao điểm. Bởi hiện nay, việc thực thi Chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng thì việc sử dụng điện năng trong mỗi gia đình ở mọi thời điểm chắc chắn sẽ tương đương thời gian cao điểm".

can-xac-dinh-doi-tuong-giau-ngheo-khi-mien-giam-tien-dien-vi-dich-covid-19

Ngày 31/3, trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho biết, nếu đề xuất về việc hỗ trợ chi phí điện sinh hoạt cơ bản của người dân được Chính phủ và EVN thông qua, áp dụng thì đây là một giải pháp tình thế rất tốt, rất kịp thời để hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp. Đây cũng là một trong những việc làm kích thích kinh tế nằm trong nguồn lực của chính phủ.

Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, việc hỗ trợ chi phí điện sinh hoạt cơ bản cần có những đánh giá, quyết định hợp lý giữa các đối tượng khách hàng.

TS Đinh Thế Hiển cho biết: "Bởi rõ ràng, chi phí sinh hoạt của người khá giả và người lao động thu nhập thấp khác nhau. Qua đó, mức tiêu thụ điện năng giữa hai đối tượng khách hàng này cũng khác nhau. Tôi cho rằng, có thể hỗ trợ một phần nào đó cho người thu nhập trung bình có chi phí điện sinh hoạt từ 1- 1,5 triệu. Hỗ trợ 50% cho đối tượng khách hàng có hóa đơn từ 500.000 – 1 triệu đồng. Hoặc có thể miễn 100% chi phí điện sinh hoạt cho đối tượng khách hàng thu nhập thấp, có hóa đơn điện dưới 500.000 đồng.

Còn đối với khối doanh nghiệp thì dịch COVID-19 gây ra khó khăn chung cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, thì rõ ràng được giảm nộp hoặc giãn nộp trong giai đoạn này là hoàn toàn đúng".

can-xac-dinh-doi-tuong-giau-ngheo-khi-mien-giam-tien-dien-vi-dich-covid-19

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, EVN nên và cần xác định đối tượng được miễn hoặc giảm tiền điện.

Mặc dù cùng quan điểm với TS Đinh Thế Hiển về tính kịp thời, tính đúng đắn của đề xuất, tuy nhiên, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội lại cho rằng, nếu đã hỗ trợ người dân thì nên công bằng.

Bởi nếu sử dụng điện để làm nguồn sáng, sử dụng các thiết bị không thể thiếu trong gia đình như tủ lạnh, bình nóng lạnh… thì nhà nào cũng có và như nhau. Đây hoàn toàn là những thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình ở thời đại nay.

TS Khuất Thu Hồng cho biết: "Trong giai đoạn này ai cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong khi đó, người thu nhập cao hơn thì đóng thuế cao hơn. Hơn nữa, đây chỉ là tiền điện tiêu thụ sinh hoạt hàng ngày. 

Thay vào đó, có thể căn cứ theo hóa đơn tiền điện hàng tháng để biết đề xuất các cách giảm khác nhau theo các nhóm khách hàng khác nhau. Biện pháp này có thể khả quan, mặc dù sẽ tăng sự tính toán cho ngành điện".

Từ 01/4, miễn 100% tiền điện cho các cơ sở khám chữa bệnh, khu cách ly COVID-19

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngày 30/3, sau khi Ban Thường vụ Đảng ủy EVN ban hành Nghị quyết số 36-NQ/ĐU về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, EVN đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 100% tiền điện đối với các cơ sở khám chữa và khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, đề xuất hỗ trợ 50% tiền điện đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác mà trong đó chức năng khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của cơ sở.

Về thời hạn áp dụng chính sách hỗ trợ tiền điện đối với các đối tượng khách hàng như trên, EVN đề xuất thời hạn áp dụng là các kỳ hóa đơn tiền điện của các tháng 4, 5, 6/2020.

Theo GiaDinh