Cẩn trọng làm đẹp "cấp tốc" đón Tết bằng miếng dán làm trắng răng

Để có một hàm răng sáng bóng đón Tết, thay vì tới nha sỹ nhiều người đã tự mua thuốc tẩy trắng răng, dùng miếng dán làm trắng răng cấp tốc… tại nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, loại tẩy càng mạnh nguy cơ gây ê buốt, ảnh hưởng đến răng càng lớn.

can-trong-lam-dep-cap-toc-don-tet-bang-mieng-dan-lam-trang-rang

Miếng dán làm trắng răng cấp tốc nguy cơ hóa chất tẩy càng cao. Ảnh: T.L

Dán miếng làm trắng răng loại nào sẽ an toàn?

Mong muốn có nhanh một hàm răng trắng mà không cần tới nha sỹ, chị Nguyễn Thị Thanh Mai (ở Hà Nội) đã nghe lời quảng cáo của một người bạn mua miếng dán trắng răng. Đọc qua giới thiệu, miếng dán loại này có thể bỏ chất màu bẩn bám trên bề mặt răng, không gây dị ứng với mọi loại cơ địa và ngăn ngừa sự xuất hiện của cao răng đã rất hài lòng vì chị nghĩ rằng Tết này sẽ có hàm răng sáng bóng. Không ngờ, dùng được khoảng 1 tuần, chị thấy răng ê buốt và thường bị viêm lợi. Tới bệnh viện kiểm tra, bác sỹ cho biết nguyên nhân một phần do vệ sinh sai cách và từ việc sử dụng miếng dán tẩy trắng răng cấp tốc.

TS.BS Nguyễn Phú Hòa, Viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, không ít trường hợp đến khám đã gặp phải những vấn đề về răng miệng không ngờ tới như bị ê buốt, viêm lợi… sau khi sử dụng các sản phẩm làm trắng răng nhanh, rẻ như dùng miếng dán làm trắng răng, tự mua thuốc tẩy trắng tại nhà, than hoạt tính… Do tẩy răng không đúng quy trình nên gây ra các bệnh về răng lợi và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

Cũng theo BS Hòa, phần lớn các cách tẩy trắng răng kiểu như trên đều phải dùng hóa chất tẩy phổ biến là hydrogen peroxide (H2O2). Tẩy trắng càng nhanh, hàm lượng hóa chất tẩy càng lớn, khả năng gây ê buốt mạnh hơn. Nếu lạm dụng hóa chất tẩy có thể gây sưng nướu, loét lợi: Miếng dán trắng răng có công hiệu nhanh bất ngờ không loại trừ có nồng độ chất tẩy cao gấp nhiều lần. Người dùng cần kiểm tra kỹ khi quyết định mua và sử dụng. Chưa kể tới nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường thường không được kiểm định về chỉ tiêu, liều lượng, thậm chí thành phần không rõ nguồn gốc càng nguy hiểm.

Hơn nữa, các phương pháp tẩy trắng răng tại nhà thường chỉ có tác dụng đối với những trường hợp răng đổi màu nhẹ do thức ăn, đồ uống, vệ sinh răng miệng kém. Còn răng bị đổi màu có rất nhiều nguyên nhân, tùy từng nguyên nhân sẽ có lựa chọn phương pháp tẩy trắng răng và mức độ hiệu quả cửa từng phương pháp sẽ khác nhau.

Các nguyên nhân dẫn tới đổi màu răng ngoài do thức ăn, đồ uống còn do hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng kém, tuổi tác, môi trường… Cùng với đó, bệnh lý cũng tác động tới men và ngà răng làm răng đổi màu. Một số nhiễm khuẩn ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành men răng, ảnh hưởng đến màu răng… Răng chấn thương gây hoại tử tủy đổi màu răng, nhiễm tetraciline nặng,… đáp ứng thuốc tẩy trắng sẽ kém cần hỗ trợ bằng các phương pháp như chụp sứ, verner.

Đồng quan điểm, theo BS Nguyễn Vũ Trung, khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), miếng dán làm trắng răng có nhiều loại, nhiều hãng. Thường khi sử dụng miếng dán làm trắng răng mà hiệu quả càng nhanh, càng cao thì hàm lượng chất hydrogen peroxide trong miếng tẩy trắng càng lớn.

Theo khuyến cáo, để an toàn cho sức khỏe răng miệng, lượng chất hydrogen peroxide nồng độ dùng có thể bằng hoặc thấp hơn 10% nhưng nếu miếng dán trắng răng mà nồng độ hydrogen peroxide ở hàm lượng này không thể tấy trắng răng được trong vòng chỉ một hai tuần như quảng cáo được, ít nhất cũng phải từ 2 tháng trở lên.

Khi tẩy trắng răng cần lưu ý những điều gì?

Theo các chuyên gia nha khoa, không phải loại men răng nào cũng có thể tẩy trắng. Càng lớn tuổi màu răng càng ngà dần và ngả vàng không thể tẩy trắng. Tẩy trắng răng cần theo một quy trình và tùy theo độ tuổi, nhu cầu, cơ địa thích nghi của từng người khi tẩy trắng để tư vấn. Để tẩy trắng răng trước tiên phải vệ sinh răng, cạo vôi răng, làm sạch, làm khô sau đó mới tiến hành tẩy trắng bằng nhiều phương pháp như tẩy trắng tại ghế nha khoa thuộc cơ sở nha khoa và làm máng ngậm.

TS.BS Nguyễn Phú Hòa cho rằng, việc chăm sóc răng miệng không phải là chuyện một sớm một chiều. Răng miệng là bộ phận có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nên tốt nhất tới nha sỹ để được tư vấn, kể cả đối với việc làm đẹp tại nhà. Bệnh nhân sẽ được thăm khám, tư vấn và thực hiện tẩy trắng răng đúng quy trình khoa học và đạt hiệu quả tốt.

Trước khi thực hiện tẩy trắng răng, bác sỹ sẽ thăm khám để đánh giá tình trạng răng của bệnh nhân. Người đang bị nha chu, sâu răng, viêm lợi... không nên tẩy trắng răng bởi sẽ gặp các ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Cũng theo BS Hòa, khi tẩy trắng bệnh nhân cần lưu ý trong thời gian tẩy trắng, răng rất dễ bị nhiễm màu do đó nên tránh những thức ăn, uống có màu tiếp xúc trực tiếp lên răng: cà phê, trà, nước tương, các loại sinh tố (rau má, cà chua, cà rốt…), nước ngọt có màu (coca, xá xị, cam…), các món ăn có phẩm màu (bún bò, bún riêu, cà ri..) và không hút thuốc. Tránh ăn uống quá lạnh, quá nóng hoặc chua.

Màu răng sẽ ổn định hai tuần sau khi kết thúc tẩy trắng răng. Tẩy trắng răng không có tác dụng suốt đời.

Mọi người cần lưu ý khám răng định kỳ 6 tháng-1năm/lần để bác sĩ kiểm tra tổng quát và đánh giá màu răng, nếu cần có thể phải tẩy trắng răng duy trì. Ngoài ra, lưu ý vệ sinh răng miệng, chải răng sau mỗi bữa ăn để màu của thức ăn không bám lên răng và dùng chỉ nha khoa ít nhất 01lần/ngày, nên dùng kem đánh răng có Florid, kem đánh răng chống ê buốt và màu trắng.

Các phương pháp làm trắng răng đơn giản không chứa chất hóa học:

- Ăn các loại thực phẩm như súp lơ trắng, dâu tây, pho mát và sữa chua, các loại hạt và đậu, dứa, hành tây, cần tây.

- Tránh các đồ uống chứa axit như cà phê, soda, rượu vang đỏ, nước xốt màu đỏ.

- Hoặc dùng baking soda và chanh, dầu dừa, vỏ cam, lá húng quế và tinh dầu mù tạt, dầu táo nguyên chất, muối biển và baking soda, bột nghệ và kem đánh răng tự chế.

Theo GiaDinh