Cẩn thận với nồi cơm điện Trung Quốc vì có thể điện giật

Do không tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc của Trung Quốc nên một công ty chuyên sản xuất nồi cơm điện Tiger JKW-A10C đã phải thu hồi.

Báo VnExpress dẫn thông tin từ Sina, mới đây công ty Tiger Trade có trụ sở ở Thượng Hải đã trình kế hoạch thu hồi một số nồi cơm điện nhập khẩu lên Cục quản lý thị trường nhà nước.

Theo đó, mẫu sản phẩm liên quan là JKW-A10C, có ngày sản xuất từ 1/4/2012 đến 20/9/2018, với xuất xứ Nhật Bản. Theo thống kê, tổng số sản phẩm bị ảnh hưởng ở Trung Quốc là 39.397.

Nguyên nhân thu hồi là do mẫu nồi cơm điện này không tuân thủ các yêu cầu thuộc tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc của Trung Quốc liên quan tới dây nối đất bảo vệ bảng mạch. Trong các trường hợp "cực đoan", nếu người dùng chạm vào phần kim loại bên trên nắp của nồi có thể bị giật điện.

can-than-voi-noi-com-dien-trung-quoc-vi-co-the-dien-giat

 Nồi cơm điện Trung Quốc bị thu hồi do có thể gây giật. Ảnh: Sina

Đại diện công ty trên cho biết, công ty này sẽ công bố kế hoạch thu hồi trên trang web chính thức của mình và cung cấp dịch vụ sửa chữa miễn phí cho người tiêu dùng. Một đường dây nóng cũng được thiết lập để tư vấn cho các khách hàng quan tâm.

Ngoài Trung Quốc, các sản phẩm nồi cơm điện của thương hiệu Tiger cũng được phân phối ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Cụ thể, mẫu nồi cơm nhiệt cảm ứng JKW-A10W và JKW-A18W có thiết kế cũng như thông số kỹ thuật tương tự mẫu JKW-A10C và JKW-A18C tại thị trường Trung Quốc.

Nồi cơm điện Tiger JKW-A10W đang được rao bán nhiều trên các trang thương mại điện tử, với mức giá trên dưới 8 triệu đồng. Sản phẩm này gây chú ý với công nghệ từ tính (IH) giúp tiết kiệm điện năng, lòng nồi được tráng một lớp men chống dính bằng tia hồng ngoại.

Liên quan tới nồi cơm điện, TS Trần Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Thiết bị điện - điện tử, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, cấu tạo của nồi cơm điện gồm ba phần: Vỏ nồi, nồi nấu và bộ phận đốt nóng, hay còn gọi là mâm nhiệt đi kèm với cảm biến nhiệt và nút điều khiển chọn chức năng. Vỏ nồi có 2 lớp, ở giữa có bông thủy tinh cách nhiệt. Nồi nấu làm bằng hợp kim nhôm, đặt khít trong vỏ, bên trong phủ lớp men chống dính. Phần đốt nóng gồm dây điện trở đúc trong ống chịu nhiệt, cách điện với ống và đặt trong mâm dưới đáy nồi.

Chuyên gia này cho rằng, những sự cố về điện đối với nồi cơm điện thường là rò điện gây giật điện. Đặc biệt, đối với những loại nồi cơm điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nguy cơ còn nằm ở chỗ lõi nồi, bộ phận đun nóng nhanh hỏng thậm chí gây chập cháy. Điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dùng.

Lý giải về những sự cố xảy ra với các thiết bị điện dân dụng, đặc biệt là các thiết bị rẻ tiền, anh Nguyễn Vi Dưỡng – Kỹ sư điện, điện tử (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, thực tế đồ điện chính hãng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ, sử dụng chất liệu an toàn, đặc biệt trước khi xuất xưởng đã được kiểm tra rất kỹ về kỹ thuật. Còn các sản phẩm trôi nổi, nhà sản xuất thường sử dụng các linh kiện, chất liệu kém chất lượng nên hay rò điện nhanh hư hỏng dẫn đến chập cháy.

Theo VietQ