Cận Tết lại lo an toàn thực phẩm

Hơn 20 người nhập viện sau bữa tiệc tất niên tại nhà hàng ở quận Bình Thạnh và 15 học sinh tiểu học tại quận Tân Bình, TPHCM phải nhập viện khẩn cấp nghi bị ngộ độc trà sữa là hai trong số vụ ngộ độc thực phẩm gần đây nhất; khiến người tiêu dùng lo lắng cho vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) những ngày cận Tết.

Hơn lúc nào hết, vấn đề an toàn thực phẩm những ngày giáp Tết luôn khiến người dân lo lắng và các cơ quan chức năng đau đầu. Các vụ ngộ độc nhỏ lẻ và lớn thường xuyên xảy ra với hậu quả lớn mà vẫn không có giải pháp triệt để.

Mới đầu năm 2019, đã có 84 học sinh ở Cà Mau ngộ độc sau khi súc miệng dung dịch ngừa sâu răng, 15 học sinh ngộ độc trà sữa ở TPHCM. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngày 14/1, Công an huyện Long Thành phối hợp với Chi cục Thú y huyện và UBND xã Long Phước, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy gần 3,5 tấn heo bệnh, heo chết và nội tạng từ heo bốc mùi hôi thối ở một cơ sở giết mổ.

Những vụ việc cụ thể được xử lý nhưng còn rất nhiều các nguy cơ về an toàn thực phẩm người dân vẫn đang phải đối mặt hàng ngày. Nguy cơ ngộ độc từ rượu “dởm”, từ thịt lợn bơm nước, lợn nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, các loại bánh kẹo, mứt tết dùng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc… Năm 2018 vừa qua là một năm báo động về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo báo cáo, Bộ Y tế đã xử lý vi phạm hành chính hơn 88 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017; các địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở vi phạm về ATTP, đã xử lý 41.229 cơ sở, trong đó phạt tiền hơn 82 tỷ đồng; Bộ Công an đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp lật về ATTP. Trong đó đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can; đang điều tra, xử lý 184 vụ…

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã đề nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo thực phẩm chức năng. Mọi hành vi “vàng thau lẫn lộn” giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh để đánh lừa người tiêu dùng đều phải bị nghiêm trị. Thậm chí cần tiến hành điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh một số vụ việc nổi cộm để răn đe và cảnh tỉnh.

Để giải hạn chế tối đa tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành cấp Trung ương tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 10/1 – 25/1/2019. Các hoạt động này nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.

Đồng thời tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự cẩn trọng của người tiêu dùng, sẽ không còn những vụ ngộ độc thực phẩm, để người dân an tâm vui Tết.

Theo GiaDinh