Cận Tết, căn bệnh này lan nhanh, mạnh qua đường hô hấp

Sởi biến chứng thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân, thời điểm cận Tết nguyên đán, với tốc độ lây lan rất nhanh, mạnh, qua đường hô hấp.

Ngày 17/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi mắc sởi biến chứng. Đáng nói, bệnh nhi mắc bệnh do chưa tiêm phòng đủ, đúng.

6 ngày trước bé bị sốt liên tục, nhiệt độ cơ thể 39-40 độ C, hắt hơi, sổ mũi, ho húng hắng, mệt mỏi. Sau đó bé xuất hiện ban hồng từ vùng sau tai lan dần lên hai bên má, cổ, gáy, xuống ngực, bụng, lưng và các chi.

Gia đình lo lắng đưa con đến Bệnh viện 108. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi. Sau nhập viện điều trị, bé hết sốt, giảm sởi.

can-tet-can-benh-nay-lan-nhanh-manh-qua-duong-ho-hap

90-95% ca mắc sởi đều do tiêm vaccine không đủ mũi hoặc không tiêm.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, năm 2018 ghi nhận 553 ca sởi trong 862 bệnh nhân sốt phát ban. Trong số này có 162 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm chủng; 84 bé đã tiêm ít nhất được một mũi vaccine sởi. Các bệnh nhân còn lại đều chưa được tiêm phòng hoặc người lớn không nhớ rõ tiền sử tiêm phòng.

Tại TP HCM, năm 2018 có gần 1.700 trường hợp mắc sởi, với hơn 1.100 trường hợp phải điều trị nội trú. 50% trường hợp mắc sởi ở thành phố lớn nhất cả nước là trẻ từ 9 tháng - 5 tuổi, 95% chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lo ngại dịch sởi có thể bùng phát nếu không quyết liệt trong công tác tiêm chủng. Lãnh đạo Cục này khẳng định sởi thường xảy ra với người không tiêm chủng.

Tích lũy trong 4-5 năm số trẻ không được tiêm vaccine sởi đã gần bằng số trẻ sinh ra trong một năm, đây chính là yếu tố khiến sởi xảy ra.

Tại Hà Nội và TP HCM, thời gian gần đây liên tiếp có những người lớn, thai phụ mắc sởi phải nhập viện theo dõi đặc biệt bởi nguy cơ thai lưu, sẩy thai và đẻ non. Nhiều gia đình có đông thành viên cùng mắc sởi, cùng chưa tiêm phòng sởi.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, trong vòng nửa đầu tháng 1/2019 đã tiếp nhận 841 ca bệnh nghi sởi, trong khi năm 2018 cả năm BV chỉ tiếp nhận 597 ca, riêng năm 2017 không có ca nào.

Chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi qua, đã có 11 thai phụ nhiễm sởi, trong đó có 1 thai phụ bị thai lưu, một sinh non lúc 24 tuần đứa bé không qua khỏi, số còn lại đều sinh non thiếu tháng.

Bộ Y tế lo ngại dịch sởi bùng phát dịp Tết, là mùa đông xuân có nhiều hoạt động giao lưu, du lịch; tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao ở một số khu vực trong khi dịch sởi có chu kỳ quay lại sau 4-5 năm một lần. Năm 2014, đại dịch sởi đã bùng phát và lan rộng ở các tỉnh phía Bắc khiến hơn 100 trẻ tử vong.

BS Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ.

Dấu hiệu của bệnh sởi là sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Bệnh sởi khiến đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm nên trẻ dễ mắc các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng...

Cục Y tế dự phòng cho biết bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não … có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine sởi. Theo đó, cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắcxin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Cùng đó, đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.

Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, ít tiếp xúc với người bệnh hay nghi bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

Người có các dấu hiệu sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Theo GiaDinh