California Gym lừa dối, ép khách mua sản phẩm?



Mặc dù chưa tiến hành thương thảo hợp đồng và nhân viên tư vấn khẳng định, Trung tâm thể hình California Gym gửi lại tiền đặt cọc nếu khách hàng quyết định không sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày được tư vấn, sự thật đã khiến độc giả của Báo Gia đình & Xã hội “ngã ngửa”.

Khách hàng bức xúc vì không được trả lại tiền đặt cọc

Với mong muốn tham gia tập thể hình để nâng cao sức khoẻ, ngày 13/5/2018, chị V.T.K.O (30 tuổi, ở Thanh Xuân) đã đăng ký gói tập thử, bằng hình thức đăng ký online, trị giá 400.000 đồng/tháng, tại Trung tâm California Gym.

Chị K.O được hướng dẫn đến cơ sở tại tầng 2, toà R3, KĐT Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Có mặt tại đây, chị K.O được đo chỉ số cơ thể. Chị O cao 1m56, cân nặng chỉ 46kg, tuy nhiên anh Nguyễn Văn Mạnh (tự xưng là nhân viên quản lý của trung tâm kiêm tư vấn dịch vụ) khẳng định chị đang thừa 3kg mỡ bụng.

Theo đơn tố cáo gửi đến Báo Gia đình & Xã hội của chị K.O, anh Nguyễn Văn Mạnh đã đưa ra nhiều gói tập để tư vấn cho chị. Một trong số đó là gói tập mà anh Mạnh đánh giá là rất tốt, chỉ dành cho cư dân sinh sống tại chung cư Royal City, khuyến mãi đợt 30/4 vừa qua nên giá chỉ còn 22,5 triệu/24 tháng (2 năm), cộng thêm 12 tháng phát sinh bù trừ những ngày nghỉ (tương đương 22,5 triệu/3 năm).

"Gói này có 4 người đăng ký, hiện nay mới có 3 người đóng tiền, còn 1 người nữa hẹn tới cuối tháng đóng vì họ chưa có tiền, họ để lâu không đóng tiền thì họ tự huỷ hợp đồng”, chị K.O kể lại.

California Gym lừa dối, ép khách mua sản phẩm?
Chị V.T.K.O bức xúc phản ánh sự việc đến Báo GĐ&XH. Ảnh:B.Loan

Cũng theo chị O, dù được anh Mạnh giới thiệu nhiều nhưng chị kiên quyết là chỉ tập thử, nếu cảm thấy dịch vụ phù hợp thì sẽ cân nhắc đăng ký tập dài hạn.

Chị K.O cho biết: “Khi đó, chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về việc sử dụng gói tập nói trên, nếu không sử dụng thì tôi sẽ được hoàn lại tiền. Sau khi tôi cà thẻ để đặt cọc 5 triệu đồng thì điện thoại tôi nhận được mã pin. Lúc đó anh Mạnh yêu cầu tôi gửi mã pin này vào số điện thoại của bạn Linh (nhân viên) để xác nhận tiền đặt cọc mà không nói với tôi về việc đọc hay nghiên cứu các điều khoản trước khi gửi mã.

Về nhà, sau khi được chồng tôi phân tích về kế hoạch mang thai, tôi đã suy nghĩ lại và nhanh chóng liên lạc với anh Mạnh với mong muốn được nhận lại số tiền đã đặt cọc. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu được lấy lại số tiền thì anh Mạnh một mực từ chối: “Tiền đã đóng là không thể lấy lại vì trung tâm có quy định là không trả lại tiền, không đi tập thì sẽ mất”.

Là một trung tâm thể hình nổi tiếng, nhưng tôi quá sốc và bức xúc về hành vi nói dối và ép khách hàng vào thế “sự đã rồi”, để bắt buộc phải mua sản phẩm, không dùng thì mất. Tôi chắc chắn, nếu tôi đi tập thì họ sẽ bắt tôi đóng đầy đủ tiền, còn không thì mất vĩnh viễn”, chị K.O bức xúc.

California Gym lừa dối, ép khách mua sản phẩm?

Biên lai thu tiền đặt cọc sau khi cà thẻ ATM. Ảnh: B.Loan

Không hoàn tiền là đúng quy định của trung tâm?

Chị K.O khẳng định: “Mặc dù Trung tâm California thu của tôi 5 triệu đồng tiền qua thẻ nhưng đơn vị này không hề xuất hoá đơn. Nếu tôi không sử dụng dịch vụ và đơn vị này thu tiền không xuất hoá đơn, không hoàn lại tiền cọc thì số tiền này sẽ đi về đâu? Chính vì vậy, tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ nghi vấn trốn thuế, gian lận thuế của đơn vị này”.

Không chỉ riêng chị K.O, anh L.V.T (29 tuổi, phường Văn Quán, Hà Đông) cũng lên tiếng về các dịch vụ của trung tâm thể hình gắn mác vip này. Anh Tấn khẳng khái: “Bạn thử tra cụm từ “khách hàng tố Trung tâm California Gym lừa dối khách hàng” mà xem, chắc chắn sẽ không ngờ đến kết quả. Ai cũng ham rẻ lại ưa dịch vụ vip, nhưng thử bước chân vào đó mới biết. Tựu chung lại là chất lượng dịch vụ sẽ ngày càng giảm, để dành chỗ cho việc phát triển thêm thẻ, thêm người”.

California Gym lừa dối, ép khách mua sản phẩm?

Đơn tố cáo California về hành vi lừa dối khách hàng. Ảnh: B.Loan

Trước những vấn đề trên, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyên, Giám sát bộ phận Phòng quan hệ hội viên, Trung tâm California Gym cho biết: “Sau khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của California, khách sẽ nhận được 1 mã pin, kèm đường link qua số điện thoại. Khi khách hàng click vào đường link này thì sẽ hiện ra tất cả các điều kiện, điều khoản sử dụng sản phẩm. Nếu đồng ý với các điều khoản trong đường link, thì khách hàng chuyển tiếp mã pin đến số điện thoại của nhân viên.

Trong trường hợp ngược lại thì khách hàng không chuyển mã pin cho nhân viên. Trên thực tế, tiền đã chuyển vào tài khoản bên em thì đồng nghĩa khách hàng đã đồng ý sử dụng dịch vụ và nguyên tắc là bên em sẽ không trả lại tiền đặt cọc. Nếu khách thay đổi thì bên em sẽ cân nhắc để trả lại tiền cho khách”.

Bà Nguyễn Thị Quyên khẳng định: “Tiền đã gửi vào tài khoản của California, nếu không trả lại thì sẽ còn nguyên. Đó là quy trình liên quan đến các điều kiện, điều khoản của trung tâm, kể cả khi hai bên chưa ký kết hợp đồng”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp các văn bản quy định của trung tâm, thì bà Quyên đã tìm cách từ chối.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng. Bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết, hoặc không được thực hiện, hoặc bị vô hiệu thì phải chịu phạt cọc theo quy định tại Điều 363 BLDS 2015.

Trong trường hợp này, nếu khách hàng đã thực hiện việc đặt cọc mà không muốn tiếp tục giao dịch thì phải có thỏa thuận với bên bán về việc hủy hợp đồng đặt cọc. Trường hợp, bên bán không đồng ý mà vẫn muốn tiếp tục hủy đặt cọc (vi phạm hợp đồng đặt cọc) thì việc xử lý sẽ theo thỏa thuận của bên thể hiện trong hợp đồng.

Tuy nhiên, cần phải xét đến hành vi giao dịch đặt cọc. Nếu người tham gia giao dịch mà không có năng lực hành vi dân sự, hoặc tham gia giao dịch bị lừa dối, cưỡng ép, hoặc giao dịch đặt cọc không lập thành văn bản theo quy định... mà đôi bên không thể tìm được “tiếng nói chung” thì có thể khởi kiện ra toà dân sự”.

Theo GiaDinh