Cách trữ đông thực phẩm an toàn

Việc trữ đông thực phẩm sai cách có thể gây hại đến sức khỏe, chính vì vậy, các bà nội trợ nên biết những cách trữ đông thực phẩm an toàn.

Nên để ngăn đá ở mức nhiệt khoảng -18 độ C

Vi sinh vật và vi khuẩn khiến thức phẩm giảm mùi theo thời gian, ngoại trừ các loại đồ ăn có chất bảo quản. Chính vì quá trình hư hỏng diễn ra nhanh. Mọi người thường cho thức ăn vào tủ lạnh để bảo quản bởi tủ lạnh có thể làm chậm quá trình phân rã bằng cách làm lạnh môi trường để kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.

Cách trữ đông thực phẩm an toàn
Nên để nhiệt độ bảo quản trong tủ lạnh là -18 độ C. Ảnh: minh họa

Ở nhiệt độ thấp hơn (trong ngăn đá), tốc độ sinh trưởng của vi khuẩn sẽ thấp hơn nữa vì thế tuổi thọ của thực phẩm có thể được kéo dài thêm nhiều tháng hoặc thậm chí đến 1 năm mà không cần dùng đến chất bảo quản hóa học.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các bạn nên để nhiệt độ tủ lạnh ở mức bằng hoặc dưới 4 độ C và nhiệt độ ngăn đá là khoảng -18 độ C.

Sơ chế trước khi bảo quản

Mọi người thường có thói quen khi mua thực phẩm về là vội vàng nhét vào ngăn đá, nhưng thực tế việc ăn bớt công đoạn này sẽ không đảm bảo cho thực phẩm được toàn vẹn chất dinh dưỡng khi mang ra sử dụng.

Hầu hết các thực phẩm trước khi được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh phải được xử lý qua.

Ví dụ, đối với rau củ quả, các bạn nên rửa sạch, chần rau quả, trái cây qua nước sôi rồi mới cho chúng vào túi lưu trữ để giữ được hương vị và dinh dưỡng lâu hơn.

Đối với các loại bánh ngọt và bánh mì, các bạn hãy để nguội hoàn toàn trước khi đông lạnh.

Cũng giống như vậy, thịt nướng, thịt gà và cá đã được nấu chín muốn để ngăn đá bạn phải để nguội trước tiên. Tốt nhất, các bạn nên chia nhỏ thành nhiều túi và có ghi nhãn rõ ràng về thời gian định bảo quản.

Sử dụng giấy bạc bọc thực phẩm

Nếu có thể, bạn nên bọc thực phẩm kỹ trong giấy bạc trước khi cho vào ngăn đá, vì túi nilong hay bao bì thực phẩm mà bạn mua từ siêu thị về (khay xốp và màng bọc nilong) thật ra không phải là thứ lý tưởng nhất để dùng cho thực phẩm trữ đông.

Để riêng thực phẩm sống và chín

Chuyện bảo quản chung thực phẩm sống và thực phẩm chín là điều tối kỵ. Chính vì vậy, bạn nên bảo quản riêng chúng để tránh vi khuẩn lây lan từ thức ăn sống sang thức ăn chín.

Cách trữ đông thực phẩm an toàn
Nên để riêng thực phẩm sống và chín. Ảnh: minh họa

Ví dụ như đối với thức ăn chín, sau khi nấu cần để thức ăn nguội. Tiếp đó, đậy kín và cho vào tủ lạnh, chậm nhất là 4 giờ. Nếu thức ăn đã dùng trong bữa không hết, cần đun lại rồi để nguội trước khi cho vào tủ lạnh.

Đối với các loại thực phẩm sống, bạn nên chia thành nhiều suất nhỏ cho vào hộp đậy kín và đưa vào tủ lạnh bảo quản. Ăn đến đâu lấy đến đó, tuyệt đối không lấy nhiều để rã đông rồi bảo quản tiếp.

Lưu ý đến thời hạn bảo quản thực phẩm

Các loạt thịt gia cầm sống có thể được đông lạnh trong khoảng 1 năm mà không hề bị hỏng.

Trong khi đó, các sản phẩm từ sữa nên sử dụng trong vòng hai đến ba tháng. Còn đối với các loại trái cây, rau quả nhiều nước như dưa chuột, cam quýt, táo,... không nên đông lạnh vì sẽ khiến chúng bị mềm và mất hương vị.

Tốt nhất, để đảm bảo an toàn và tránh tình trạng lãng phí thực phẩm đông lạnh, chỉ nên sử dụng trong vòng 6 tháng, không nên để đến khi có một lớp băng dày bao quanh thực phẩm mới lôi ra sử dụng.

Theo Hoàng Ngọc (Phapluatplus)