Cách tránh cái chết oan uổng cho người nhà khi mùa nấm sinh sôi

Nấm chế biến đơn giản, làm được nhiều món ăn ngon và bổ nhưng năm nào cũng xảy ra ngộ độc nấm, có khi cả nhà bị ngộ độc, và ăn phải nấm ngộ độc chậm càng khó chữa.

Nguy hiểm nhất là ngộ độc nấm chậm

Ngộ độc nấm thường xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc ít người, dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn và thường để lại hậu quả nặng nề, có khi cả gia đình bị ngộ độc và tử vong.

Ngày 6/4 gia đình 4 người ở thôn Bản Pắng (xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) cùng bị ngộ độc nấm sau 1 ngày ăn. Mọi người lần lượt đau bụng, đi ngoài, nôn, đau đầu chóng mặt mới đi khám và nhanh chóng được chuyển tới bệnh viện huyện, rồi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang và được đưa về Hà Nội cứu chữa.

Tình trạng cả nhà rất nặng, phải lọc máu mỗi lần hết 15 - 16 triệu đồng, tổng chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/ca.

Trước đó ngày 29/3/2020 cũng có 3 người dân ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) bị ngộ độc khi ăn nấm tự nhiên. Sau 15 phút ăn họ đã bị nôn, đau bụng, tiêu chảy và chóng mặt. Khi tự điều trị tại nhà không đỡ, người thân mới đưa đi Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai), may mắn là lượng nấm ăn ít nên tình trạng ngộ độc nhẹ.

cach-tranh-cai-chet-oan-uong-cho-nguoi-nha-khi-mua-nam-sinh-soi

Đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm. Ảnh minh họa.

Dù năm nào các địa phương miền núi cũng đẩy mạnh tuyên truyền về ngộ độc nấm, nhưng các vụ ngộ độc nấm mọc trong tự nhiên vẫn xảy ra. Bác sĩ Đỗ Văn Điệp, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng nấm, bởi ngộ độc nấm rất nguy hiểm, để lại những di chứng hết sức nặng nề.

Nguy hiểm hơn là khi ăn phải nấm ngộ độc chậm (sau khi ăn 6-40 giờ và thường là 12-18 giờ) bệnh nhân nôn nhiều, tiêu chảy liên tục, cơ thể mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít...

Sau đó triệu chứng trên sẽ hết, vài ngày sau mới xuất hiện các biểu hiện suy gan thận (như vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi…), viêm/nhiễm độc gan, phá huỷ các tế bào gan, dẫn đến tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết ở nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu…), cuối cùng là tử vong.

Hầu hết các vụ ngộ độc nấm không xác định được loài nấm nên việc xử trí khó khăn, diễn biến khó lường và ngộ độc nấm càng chậm thì càng khó chữa. Sau đây là các dấu hiệu ngộ độc nấm:

- Đau bụng dữ dội thành cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu.

- Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu.

- Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn.

- Hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái.

- Co giật, tăng tiết đờm giãi.

- Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được.

- Khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi.

- Một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, tổn thương gan, thận, hôn mê và tử vong.

Ngộ độc nấm cấp tính tiên lượng bệnh cũng rất khác nhau tùy loại nấm và số lượng nấm ăn vào. Vì vậy khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để kịp cứu chữa.

Đồng thời đưa cả những người cùng ăn nấm đi viện (dù chưa có triệu chứng). Nhớ mang theo mẫu nấm, thức ăn chế biến từ nấm còn lại theo để sơ bộ xác định loài nấm.

cach-tranh-cai-chet-oan-uong-cho-nguoi-nha-khi-mua-nam-sinh-soi

Nấm trồng cũng khá ngon và bổ. Ảnh minh họa.

Cách sơ cứu ngộ độc nấm tại nhà

Sơ cứu ngộ độc nấm ban đầu rất quan trọng, bởi có tới 80% bệnh nhân tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Vì vậy khi thấy người ngộ độc nấm và trong khi chờ cấp cứu thì cần loại bỏ nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn, dùng thuốc than hoạt tính trung hòa chất độc. Cụ thể:

- Gây nôn (móc họng, hoặc dùng bàn chải đánh răng đưa sâu vào họng gây nôn). Hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn (chỉ làm với bệnh nhân còn tỉnh táo), rồi khẩn trương đưa đi bệnh viện.

- Uống than hoạt tính nhằm hấp phụ chất độc chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt tính thì mua viên Carbogast, hoặc Carbophos 400mg/viên.

- Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều phải bù nước bằng việc cho uống dung dịch oresol.

- Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay. Nếu người bệnh co giật phải để nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ… Sơ cứu xong cần tới viện cấp cứu và chữa trị tiếp, chứ không phải hết nôn, đau và tiêu chảy là hết ngộ độc.

cach-tranh-cai-chet-oan-uong-cho-nguoi-nha-khi-mua-nam-sinh-soi

Ăn nấm trồng là an toàn. Ảnh minh họa.

Chỉ nên ăn nấm nuôi trồng

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm), nấm giàu dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe, có thể chữa được nhiều bệnh nan y. Người dân chỉ nên ăn các loại nấm đã được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, đảm bảo ăn bổ dưỡng mà không bị ngộ độc.

Mua nấm nên mua loại đã từng ăn ở những cơ sở có uy tín. Trước khi chế biến cần kiểm tra xem có đồng nhất về chủng loại và màu sắc, có lẫn nấm độc hay không; nhất thiết phải loại bỏ các loại nấm lạ, nấm có màu sắc sặc sỡ, thân nấm bị mốc, thịt nấm có màu khác lạ và có hiện tượng phát quang... để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc do nấm gây ra.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các ca ngộ độc từ nấm được xác định có nguy cơ tử vong cao hơn các ca ngộ độc thực phẩm khác. Người dân cần nghe hướng dẫn tuyên truyền để biết và tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc làm thực phẩm. 

- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì khó nhận dạng nấm độc. Không ăn nấm quá già. Không ăn loại nấm khi cắt thì vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa.

- Không nên ăn thử, cũng không cho động vật ăn thử nấm không sao là cho người ăn, vì có thể vật ăn thì sống, người ăn sẽ ngộ độc.

- Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại (kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả như mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc). Đặc biệt loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Chỉ sử dụng khi biết chắc nấm đó ăn được. dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

- Nấm tươi hái về nên nấu ăn ngay trong khoảng 12 giờ. Nên chần nấm trước khi xào nấu để giảm bớt độc tính. Không ăn nấm ôi thiu, giập nát vì có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

- Khi mua nấm ở chợ, tốt nhất nên mua loại đã từng ăn, mua ở những cơ sở có uy tín. Chú ý kiểm tra xem nấm có đồng nhất về chủng loại, màu sắc, có lẫn nấm độc không. Nếu thấy lẫn nấm lạ, hay nấm có màu sắc sặc sỡ, thân nấm bị mốc, thịt nấm màu khác lạ và có hiện tượng phát quang thì phải bỏ ngay.

- Ăn nấm không nên uống rượu, vì có một số nấm không độc nhưng có thể phản ứng hóa học với rượu gây ngộ độc.

(Chi cục ATVS Thực phẩm Kon Tum)

 

Theo GiaDinh