Cách sơ cứu "hồi sinh" người ngưng thở vì điện giật, sét đánh

Tôi nghe nói người bị dòng điện mạnh giật làm ngưng tim, ngưng thở vẫn có cơ hội "hồi" lại được nếu biết cách sơ cứu, có thật không?

Bạn đọc Minh Hoàng (30 tuổi; quận 4, TP HCM) hỏi: Tôi đọc báo thấy rằng mùa mưa gió này, kể cả Việt Nam lẫn nước ngoài có nhiều trường hợp bị sét đánh, điện giật do dây điện bị đứt, hư…và chết oan mạng. Nhưng trong một bài báo nước ngoài tôi có đọc được rằng có người nhờ sơ cứu đúng bằng CPR mà sống. Vậy CPR là gì, làm ra sao?

Bạn đọc Tr.M.A. (35 tuổi; TP HCM) hỏi: Vừa rồi tôi vào bệnh viện nhi chăm con bệnh, thấy có một bé do điện giật mà phải cấp cứu, nghe loáng thoáng nhờ ông hàng xóm biết cách sơ cứu mà sống được. Tôi cũng có mấy đứa con nhỏ và đã lắp đủ thứ chốt điện an toàn nhưng vẫn lo. Cách sơ cứu thần kỳ mà người hàng xóm kia làm có thật không và làm như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:

Điều đầu tiên cần làm khi cứu người bị sét đánh, điện giật là phải cắt nguy cơ nguồn điện gây họa lần nữa cũng như bảo đảm an toàn cho người cấp cứu: ngắt cầu dao, đứng trên ghế gỗ hay vật cách điện dùng cây gỗ, cán chổi… đẩy dây điện ra; nếu người bị sét đánh thì cần di chuyển họ đến nơi an toàn (vào nhà, vào lán của đơn vị cứu hộ…, tuyệt đối không trú dưới gốc cây).

Tiếp theo, hãy đánh giá nhanh trong vòng 10 giây xem nạn nhân còn tỉnh táo, còn thở không, ví dụ có thể xem lồng ngực còn phập phồng, đưa tay vào cổ kiểm tra động mạch cảnh còn đập hay không. Nếu họ còn tỉnh, các dấu hiệu sinh tồn vẫn còn, hãy đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn và gọi cấp cứu.

Cách sơ cứu hồi sinh người ngưng thở vì điện giật, sét đánh - Ảnh 1.

Nhân viên cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM hướng dẫn tư thế nằm nghiêng an toàn - ảnh: ANH THƯ

Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, các bạn cần thực hiện ấn tim (ấn ngực) và thổi ngạt (hô hấp nhân tạo), gọi chung là hồi sinh tim phổi - CPR (Cardiopulmonary resuscitation), trong khi chờ đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.

Ấn tim bằng cách tác động lực vào giữa ngực với tốc độ nhanh từ 100-120 lần/phút, đặt trẻ trên mặt phẳng cứng; thổi ngạt thì nhớ ngửa cổ trẻ ra vừa phải cho đường thở được thông suốt, lấy dị vật mắc trong cổ ra nếu có. Nếu chỉ có 1 người sơ cứu, cứ lần lượt ấn tim 30 cái, thổi ngạt 2 cái. Nếu có 2 người sơ cứu thì ấn tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái.Lặp lại đến khi nào người bệnh thở được và tim đập lại. 

Với người lớn, người ta dùng lực 2 bàn tay để ấn tim: chồng hai bàn tay lên nhau và tác động lực bằng gót bàn tay. Với trẻ dưới 1 tuổi, chỉ dùng lực của 2 ngón tay người lớn ấn mạnh vào khu vực nửa dưới xương ức. Trẻ 1-8 tuổi thì dùng lực của 1 bàn tay, trên 8 tuổi thì làm như người lớn. Tuy nhiên, điều này cũng nên linh động dựa trên kích thước của trẻ. Nếu bé dưới 8 tuổi nhưng to con như trẻ trên 8 tuổi thì phải dùng lực 2 bàn tay như ở người lớn.

Muốn biết mình ấn tim đủ mạnh hay không, bạn hãy chú ý độ lõm vào của lồng ngực mình tạo ra sau mỗi cú ấn: 1/3 đến 1/2 chiều sâu lồng ngực là vừa đủ.

Nếu nạn nhân là người lạ và bạn ngại việc áp miệng thổi ngạt, có thể áp dụng Hands-Only CPR, tức chỉ cần ấn tim, không thổi ngạt.

Anh Thư thực hiện

Theo NLD