Cách ly xã hội 15 ngày: Việc được và không được làm cần ghi nhớ kẻo bị xử lý hình sự

Chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ...

Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phòng chống dịch Covid-19 được ban hành sáng 31/3, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Cách ly toàn xã hội 15 ngày: Những trường hợp được ra ngoài

cach-ly-xa-hoi-15-ngay-viec-duoc-va-khong-duoc-lam-can-ghi-nho-keo-bi-xu-ly-hinh-su

Không nên mua tích trữ quá nhiều vì siêu thị, các mặt hàng thực phẩm vẫn mở cửa để phục vụ nhu cầu thiết yếu

Chỉ thị 16/CT-TTg nêu rõ, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như:

- Mua lương thực, thực phẩm,

- Mua thuốc men.

- Cấp cứu.

- Làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động.

- Các trường hợp khẩn cấp khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Đồng thời toàn thể nhân dân nên tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện. Thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Những nơi được mở cửa

cach-ly-xa-hoi-15-ngay-viec-duoc-va-khong-duoc-lam-can-ghi-nho-keo-bi-xu-ly-hinh-su

Hiệu thuốc được phép mở cửa trong 15 ngày cách ly xã hội

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh, trừ các trường hợp sau:

Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ), trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, bệnh viện), chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô), các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ), các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây, cơ sở lưu trú du lịch, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ bưu điện, dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử, dịch vụ viễn thông truyền hình, dịch vụ bảo vệ, cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt, dịch vụ tang lễ, nghĩa trang, hỏa táng, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Xử lý hình sự hàng loạt hành vi gây ảnh hưởng đến phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 30/3, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành văn bản hướng dẫn xác định tội danh áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo hướng dẫn này, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly, nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác, bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người", quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240, và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, gồm: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19, nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa, nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh, thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người, theo Điều 295 bộ luật Hình sự, gồm: trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly (từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly); không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Tội danh theo Điều 295 cũng được áp dụng đối với chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh, khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo GiaDinh

Xem thêm:

Người được chữa khỏi COVID-19 vẫn phải cách ly thêm 14 ngày

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cách ly toàn xã hội, không phải phong tỏa đất nước

Cách ly cả nước 15 ngày, ủng hộ hoàn toàn nhưng thắc mắc: Ai đi làm, chợ có bán?