'Cách ly ở Bắc Kinh, tôi chứng kiến cách Trung Quốc chống dịch'

Ở đỉnh điểm của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, người dân Bắc Kinh phải chịu nhiều biện pháp nghiêm ngặt. Nhờ vậy, dịch bệnh được đẩy lùi và mọi hoạt động đang dần phục hồi.

Gerry Shih, phóng viên của Washington Post ở Trung Quốc từ năm 2018, đã chia sẻ ghi nhận trong những ngày đỉnh điểm của cuộc chiến chống Covid-19 ở Trung Quốc.

Ông vừa trải qua 14 ngày cách ly ở Bắc Kinh và được chứng kiến cuộc chiến chống virus corona của Trung Quốc.

Đến nay, Trung Quốc đã có hơn 81.000 ca nhiễm và 3.270 người chết vì Covid-19. Thế giới có 14.600 ca tử vong, trong số hơn 335.000 ca nhiễm.

Các biện pháp nghiêm ngặt

Các cửa hàng tạp hóa bắt đầu tràn ngập người mua sắm. Khắp các con phố, mọi người xếp hàng chờ mua bánh bao nóng hổi. Hoạt động giao thương và sản xuất đang phục hồi.

Những con hẻm lát gạch màu xám, phủ màu rêu phong của thủ đô vắng ngắt vài tuần nay bắt đầu đón dòng xe cộ tấp nập.

Có một điều không thể phủ nhận: Bắc Kinh đóng băng đang trở lại bình thường.

"Sáu tuần trước, tôi đã chứng kiến ​​Trung Quốc tự đóng cửa với thế giới khi dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán, sau đó lan ra khắp đất nước và vượt ra bên ngoài. Công việc của tôi là đi lại khắp Trung Quốc, băng qua những đại lộ trống trải, những sân bay vắng người và những chuyến tàu xe chỉ có một mình", ông Gerry Shih mô tả.

cach-ly-o-bac-kinh-toi-chung-kien-cach-trung-quoc-chong-dich

Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang tập thể dục trên được phố hôm 15/3 ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP/Getty.

"Tôi nhìn xuyên suốt nền kinh tế, công nghiệp của Trung Quốc, từ những quán mì lề đường đến các campus công nghệ trải dài. Tất cả đều dừng hoạt động khi chính phủ muốn ngăn chặn sự lây lan của virus".

Vị nhà báo cho biết ông được yêu cầu cung cấp số điện thoại với các nhân viên chính phủ ở mỗi ga tàu, check-in bằng app điện thoại khi đi vào các tòa nhà văn phòng hay đọc số hộ chiếu khi ăn tại nhà hàng hiếm hoi còn mở cửa.

Đến giữa tháng hai, cuộc giám sát còn chặt chẽ hơn, theo Washington Post.

Tại trung tâm Bắc Kinh, trạm kiểm soát được dựng lên ở mỗi ngã tư. Các khu dân cư bị khóa sau 22h. Như mọi du khách đến Bắc Kinh từ bên ngoài, Gerry Shih bị cách ly tại nhà trong 14 ngày sau khi trở về đây.

"Tôi có mặt ở Bắc Kinh trong những ngày gần đây, chính xác là vào thời điểm mà nhịp sống đang quay lại bình thường. Khi đó, phương Tây dường như rơi vào vòng xoáy của hoảng loạn và hỗn loạn. Tôi và nhiều người tự hỏi: Các biện pháp hà khắc của Trung Quốc có phù hợp với những nơi khác trên thế giới không? Tôi cũng không biết nữa".

Theo Gerry Shih, những gì ông nhận thấy là biện pháp này đã thành công trong ngăn chặn dịch bệnh ở Trung Quốc. Nó cũng được Singapore , Đài Loan và Hàn Quốc áp dụng và cho kết quả tốt.

Điều kiện cách ly

Khi những hạn chế đi lại được siết chặt vào tháng trước, đơn vị hành chính cấp thấp nhất của Trung Quốc mà không nhiều người chú ý đến - ủy ban cư dân, bất ngờ tạo điểm nhấn.

Với các trường hợp cách ly như Gerry Shih, vào ngày đầu tiên, họ sẽ được các nhân viên y tế đưa vào văn phòng khu phố với rất nhiều tình nguyện viên khoảng 20-30 tuổi để thu thập thông tin cá nhân, lịch sử di chuyển và nơi làm việc.

Các nhân viên khác thay ca đứng bên ngoài chịu lạnh để đo thân nhiệt và kiểm tra giấy phép đi lại của bất cứ ai muốn đi vào các khu phố.

cach-ly-o-bac-kinh-toi-chung-kien-cach-trung-quoc-chong-dich
 

Nhân viên chính phủ đo thân nhiệt người đàn ông tại trạm kiểm soát ở đầu một khu phố Bắc Kinh ngày 26/2. Ảnh: Reuters.

"Văn phòng khu phố hứa hẹn rằng nếu tôi tuân thủ 14 ngày cách ly, tôi sẽ nhận được giấy thông hành vào khu phố với đặc quyền không ai có", Gerry Shih kể lại.

"Sau cuộc thương lượng ngắn với các tình nguyện viên, chúng tôi đồng ý về các điều khoản cách ly. Tôi có thể bước ra sảnh chung cư để gặp người giao hàng nhưng họ không thể vào trong. Tôi cũng không được ra ngoài. Họ cắt cử một tình nguyện viên cao to lực lưỡng, đầu trọc canh gác phía ngoài".

Mọi thứ đều đặt được ở Trung Quốc

Theo lời Gerry Shih, điện thoại của ông liên tục rung bởi các tin nhắn văn bản tự động nhắc nhở về việc thông báo thân nhiệt hàng ngày với chính quyền thông qua app “Trái tim Bắc Kinh đang giúp đỡ mọi người”.

"Trong thời gian cách ly, tôi không hiểu sao trên Twitter của những người ở các quốc gia khác lại có video giành giật giấy vệ sinh và vơ vét các kệ hàng trong siêu thị. Trong khi đó, hàng ngày tôi vẫn vào các app thương mại điện tử như Meituan và Taobao để đặt đồ. Thậm chí, tôi mua được cả cải chíp, ngó sen, cá hồi Na Uy và sườn cừu", nhà báo Mỹ kể lại.

Ông Gerry Shih nói răng ông đặt online cả phụ kiện máy tính để phục vụ làm việc ở nhà và bộ phận ống nước để sửa bếp bị rò nước. Dịch vụ giao hàng trên toàn quốc giúp khách hàng được mọi thứ từ mọi nơi ngay tại nhà sau 72 giờ. Mọi thứ đều đặt được, gồm cả giấy vệ sinh.

Khi giới chức Trung Quốc vướng vào cuộc tranh cãi với Mỹ xoay quanh nguồn gốc của virus corona trên mặt trận Twitter, nhiều nơi vẫn đang học hỏi từ thành quả dập dịch của Bắc Kinh.

cach-ly-o-bac-kinh-toi-chung-kien-cach-trung-quoc-chong-dich
 

Cô gái đeo khẩu trang, găng tay trong trung tâm thương mại không một bóng người ở Bắc Kinh hôm 28/2. Ảnh: AP.

Sau khi hoàn thành thủ tục cách ly, mọi người có thể gặp gỡ bạn bè tại các nhà hàng đang rục rịch mở cửa trở lại ở Bắc Kinh. Các bàn ăn bắt đầu đón khách.

"Một người bạn Anh nói với tôi rằng anh ta rất sợ phải bay về nhà sau khi giới chức y tế nước này công bố chính sách “lây nhiễm cộng đồng”. Một người bạn Trung Quốc sống với gia đình ở New York lo lắng rằng mẹ anh ấy không thể mua vé bay về nước để lánh dịch vì giá vé tăng vọt. Một người bạn nữa nói rằng cô ấy phải đem khẩu trang từ Trung Quốc cho người thân ở California vì họ không thể mua được chúng tại đó", ông Gerry Shih cho hay.

"Tất cả làm tôi nhớ lại buổi sáng trước khi cách ly, tôi bắt gặp hai bà cô hàng xóm nói rằng họ ngạc nhiên trước việc đất nước chiến thắng virus trong khi các chính phủ khác đang rơi vào hỗn loạn".

Theo Zing