Cách cấp cứu khi bị đứt lìa chân, tay ai cũng nên biết khi khẩn cấp

Thật may mắn, sau 5 tiếng phẫu thuật, cánh tay của Su Sal đã hồng trở lại, tuy nhiên theo các bác sĩ cánh tay đã bị dập nát quá nhiều nên cần có thời gian để đánh giá khả năng hồi phục.

cach-cap-cuu-khi-bi-dut-lia-chan-tay-ai-cung-nen-biet-khi-khan-cap

Trước đó, theo VNexpress đã đưa tin, khoảng 13 giờ chiều 8/1, xe khách chở hơn 20 sinh viên của một trường Cao Đẳng rơi xuống vực đèo Hải Vân tại khu vực huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Vụ tai nạn đã làm 1 nữ sinh tử vong trên đường đi cấp cứu, nhiều người bị thương nặng, đặc biệt là trường hợp của nữ sinh viên Ngô Thị Su Sal (21 tuổi) bị đứt lìa 1 bên cánh tay. Ngay sau khi được lực lượng chức năng cứu lên khỏi vực sâu, nữ sinh này được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng còn cánh tay trái của cô vẫn đâu đó ngoài hiện trường vụ tai nạn.

cach-cap-cuu-khi-bi-dut-lia-chan-tay-ai-cung-nen-biet-khi-khan-cap

Hiện trường vụ tai nạn lật xe ở đèo Hải Vân.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, giám đốc bệnh viện cho biết tiếp nhận Su Sal lúc 14h ngày 8/1. Vết thương nơi cánh tay trái đứt lìa đã tự cầm máu, song bị tổn thương nặng mạch máu, thần kinh, gân cơ, xương... Phải sau khoảng hơn 1 tiếng, các bác sĩ ngoài hiện trường mới tìm thấy cánh tay còn lại sau đó ướp lạnh tức tốc đưa về bệnh viện. Sau 5 tiếng ca phẫu thuật đã bước đầu hoàn tất. 

Bệnh viện Đà Nẵng từng thực hiện thành công nhiều ca ghép chi cho bệnh nhân. Tuy nhiên với Su Sal, vết thương ở cánh tay phức tạp, lại thêm phải chờ hơn một tiếng đồng hồ mới tìm được cánh tay bị đứt để ghép nối. Do đó hiện chưa thể đánh giá được khả năng phục hồi vận động.

"Sau ghép nối, cánh tay đã hồng lại. Tuy nhiên do bị dập nát quá nhiều nên cần có thời gian để đánh giá khả năng hồi phục chức năng", bác sĩ Nhân nói. "Bệnh nhân sẽ còn trải qua các lần tiểu phẫu nữa cho cánh tay được ghép nối này".

cach-cap-cuu-khi-bi-dut-lia-chan-tay-ai-cung-nen-biet-khi-khan-cap

Ảnh: Nguyễn Đông - VNExpress

Chấn thương dẫn dến đứt lìa một phần cơ thể là tai nạn có thể gặp trong lao động, giao thông, sinh hoạt, thiên tai,... Bộ phận đứt lìa thường là ngón tay, ngón chân, một phần chi trên hoặc chi dưới, có thể nối lại thành công bằng vi phẫu thuật dưới kính hiển vi.

Tuy nhiên để nối thành công, khi tai nạn xảy ra cần biết sơ cứu, bảo quản và chăm sóc các bộ phận đó đúng cách. Trên thực tế, hầu hết người dân rất lúng túng trong xử trí dẫn đến phải bỏ đi phần chi thể của nạn nhân đáng ra có thể nối lại được.

Chia sẻ với Báo Giao thông, Đại tá. TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Hàm mặt, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, đến nay thông tin về các ca bệnh bị đứt rời một phần chi thể được các bác sĩ phẫu thuật thành công không còn quá xa lạ. Tỷ lệ thành công trong các ca phẫu thuật này hiện đạt từ 75-90%. Đây là một kết quả đáng tự hào vì phẫu thuật trồng lại chi thể đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu là kỹ thuật vô cùng khó. Nước ta đã có một số bệnh viện thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời như: BV Quân đội 108, BV Việt Đức, BV Đa khoa Huế, BV Chợ Rẫy, BV Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh…

Theo BS. Huy Thọ, trong phẫu thuật nối phần cơ thể đứt rời thường gặp nhiều khó khăn bởi không phải lúc nào các vết thương cũng “gọn như dao cắt” mà thường bị dập nát, giằng giật trước khi đứt. Các ca phẫu thuật với kỹ thuật vi phẫu thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ, đòi hỏi sự tỷ mẩn, chuyên môn cao. “Đối với các cơ phẫu thuật nối chi thể này, công tác chăm sóc hậu phẫu cũng đòi hỏi sự tỷ mẩn, theo dõi liên tục việc nuôi dưỡng phần chi thể được nối có đảm bảo không, nếu có bất kỳ sự thay đổi về màu sắc cũng tác động đến kết quả...”

Và vì thế việc sơ cứu ban đầu là hết sức quan trọng nhưng không phải ai cũng biết thực hiện đúng cách. Trình tự cần thiết thực hiện như sau:

Sơ cứu nạn nhân

cach-cap-cuu-khi-bi-dut-lia-chan-tay-ai-cung-nen-biet-khi-khan-cap

- Bạn cần kiểm tra hô hấp của bệnh nhân, đường thở, loại bỏ những cản trở như bùn đất, đờm dãi, để đảm bảo nạn nhân có thể hô hấp được. Sau đó, kiểm tra nhịp thở và tuần hoàn, nếu nạn nhân không còn tự thở thì lập tức tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi bằng bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạop. 

- Khi thấy tình trạng hô hấp và tuần hoàn đã ổn. Cần cầm máu bằng cách tạo lực ép trực tiếp vào vết thương, tạo nên một áp lực chặt vào vết thương để cầm máu và kết hợp với nâng cao vùng bị tổn thương. Tránh mất máu liên tục dẫn đến tình trạng shock mất máu. Nếu chảy máu vẫn tiếp tục, cần kiểm tra lại để nhận ra vị trí xuất phát của chảy máu và tiếp tục sử dụng lực ép chặt hơn.

- Phải luôn đề phòng sốc bằng cách đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, ủ ấm cho nạn nhân bằng chăn hoặc vải. Nâng cao chân của người bị nạn lên cao khoảng 30 cm để ưu tiên cấp máu cho các cơ quan quan trọng. Khi di chuyển bệnh nhân cần phải có hai người, đặc biệt nếu bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống thì cần di chuyển cẩn thận, nhẹ nhàng.

Bảo quản và chăm sóc chi thể đứt lìa

cach-cap-cuu-khi-bi-dut-lia-chan-tay-ai-cung-nen-biet-khi-khan-cap

- Các bộ phận cơ thể bị đứt lìa cần được giữ gìn và bảo quản cẩn thận, đảm bảo chắc chắn không để quên hay bỏ sót phần chi thể bị đứt lìa. Sau khi thu thập đủ phần đứt lìa, cần mang ngay vào chỗ mát hay bóng râm. Tuyệt đối không được để phần chi này ở ngoài ánh sáng, những nơi quá nóng nhiệt độ trên 42 độ C vì nắng nóng sẽ thúc đẩy quá trình hư hoại và tăng nguy cơ nhiễm trùng các phần này.

- Loại bỏ các vết bẩn, dị vật có thể gây ô nhiễm vết thương như đất, sỏi đá bằng nước sạch.

- Bọc phần chi thể bị cắt đứt trong một chiếc khăn ướt sạch hoặc một miếng vải ẩm, sạch sẽ, đặt vào trong một túi ni lon hoặc túi nhựa được đóng kín, sau đó đặt túi ni lon vào trong nước đá lạnh. Tốt nhất là dùng một thùng đá kín, không tiếp xúc với ánh nắng và đá này phải đủ cho quãng đường từ nơi xảy ra tai nạn đến nơi sơ cấp cứu. 

- Không được đặt trực tiếp phần chi thể trong nước đá mà không sử dụng túi nhựa bao bọc phía bên ngoài. Không được đặt trực tiếp chi thể lên đá lạnh, đá khô vì điều này sẽ gây ra sự tê cóng, bỏng lạnh làm hoại tử mô hoặc ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục mô sau khi nối lại cho người gặp tai nạn. Chi thể bị cắt rời nếu được bảo quản và làm mát đúng cách có thể được sử dụng cho phẫu thuật trong vòng khoảng 18 giờ, trong khi nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 đến 6 giờ.

cach-cap-cuu-khi-bi-dut-lia-chan-tay-ai-cung-nen-biet-khi-khan-cap

- Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, bạn nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.

- Lưu ý, không dùng kẹp kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi nối.

Việc cấp cứu nối lại chi thể chỉ có thể thực hiện được khi bệnh nhân đến sớm, phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách và thực hiện tại các cơ sở có đầy đủ trang thiết bị cũng như đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm. Tỷ lệ thành công tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí, nguyên nhân gây tổn thương, thời gian từ lúc bị tổn thương đến khi phẫu thuật và cách sơ cứu, bảo quản chi thể đứt lìa. Các bạn hãy lưu ngay những thông tin hữu ích này để có cách xử trí phù hợp khi chẳng may gặp sự cố.

Theo Bestie