Các sự cố trên nhiều chuyến bay của Vietjet và Vietnam Airlines khiến hành khách hú hồn

Trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ tai nạn hàng không xảy ra trên thế giới khiến nhiều người lo lắng. Ở Việt Nam cũng từng xảy ra nhiều vụ trên các chuyến bay của Vietjet và Vietnam Airlines khiến hành khách thót tim.

Mới đây nhất ngày 5/5, chiếc máy bay Sukhoi Superjet SSJ-100 của hãng hàng không Aeroflot gặp nạn khiến 13 người thiệt mạng. Tuy nhiên, đến nay số người chết đã tăng lên 41.

Trước đó ngày 3/5, chiếc phi cơ dân sự đã trượt khỏi đường băng ở bang Florida của Mỹ đã lao ra khỏi đường băng và rơi xuống sông, rất may mắn toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều an toàn.

Còn ở Việt Nam, năm 2018 là năm xảy ra nhiều sự cố nhất trong thời gian qua liên quan đến ngành hàng không. Tính riêng hãng Vietjet Air đã có tới 7 sự cố xảy ra liên tục trong vòng 3 tháng quý IV/2018.

Đầu tiên là vụ việc xảy ra vào 19h05 ngày 19/11 trên chuyến bay VJ198 khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất (Hồ Chí Minh) đi Hà Nội. Sau khi cất cánh, máy bay xảy ra sự cố, phải bay vòng vòng hơn 30 phút, trước khi quay lại Tân Sơn Nhất đáp cánh khẩn cấp, khiến hơn trăm hành khách hoảng sợ.

cac-su-co-tren-nhieu-chuyen-bay-cua-vietjet-va-vietnam-airlines-khien-hanh-khach-hu-hon

Hành khách chắp tay cầu nguyện trên chuyến bay gặp sự cố của Vietjet. Ảnh: TL

Tiếp viên trên chuyến bay cũng đã hướng dẫn hành khách chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra và liên tục hô "brace" (bám chặt). Theo các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), tiếp viên hàng không sẽ chỉ hô cảnh báo "brace" (bám chặt) trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp và rất hiếm trường hợp cần dùng đến tư thế này.

Toàn bộ hành khách đã được chuyển sang chuyến bay kế tiếp của hãng. Tuy nhiên nhiều hành khách vẫn hoảng sợ sau chuyến bay, trong đó có người chia sẻ bị "sốc tâm lý" do sự cố.

Chỉ ít ngày sau, vào lúc 23h ngày 29/11, tại sân bay Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), máy bay VJ 356 từ TP HCM đã tiếp đất trong tình trạng mất cân bằng, tạo tiếng động lớn.

Phi hành đoàn thông báo khẩn cấp, yêu cầu tất cả hành khách nhanh chóng bỏ hành lý, dùng 4 cửa thoát hiểm ra ngoài bằng phao trượt. Rất nhiều hành khách sợ hãi, sang chấn tâm lý đồng thời có 6 hành khách phải nhập viện để điều trị sức khỏe.

cac-su-co-tren-nhieu-chuyen-bay-cua-vietjet-va-vietnam-airlines-khien-hanh-khach-hu-hon

Sự việc xảy ra do hai bánh trước của tàu bay bị sự cố trong quá trình hạ cánh, đây được xem là sự cố nghiêm trọng của ngành hàng không.

Đến đêm ngày 24/12, chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP HCM, sau khi cất cánh được khoảng 2 tiếng đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Bắc (Đài Loan) do báo động giả.

Trước đó, chuyến bay mang số hiệu VJ982 của Vietjet từ Hà Nội đi Busan phải hạ cánh khẩn cấp vào rạng sáng 30/10 (giờ Hà Nội) ở sân bay quốc tế Hong Kong sau khi phi hành đoàn phát hiện vấn đề liên quan tới phi cơ.

Chỉ 12 tiếng sau, vào chiều 25/12, đại diện Cục hàng không Việt Nam xác nhận sự cố một máy bay của hãng VietJet đã hạ cánh nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh. Theo đó, chuyến bay của VietJet Air cất cánh lúc 10h55 ngày 25/12 đi thành phố Hồ Chí Minh.

Giữa đường gặp trục trặc kỹ thuật, phi hành đoàn chuyển hướng máy bay về Cam Ranh. Máy bay sau đó lượn vòng 2 lần rồi hạ cánh nhầm xuống đường băng số 02, là đường băng chưa khai thác. Sự cố hạ cánh nhầm đường băng được xác định ở mức độ nghiêm trọng (nhóm B), chỉ đứng sau sự cố nhóm A (tai nạn).

Cùng đó, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cũng không tránh khỏi những trường hợp khiến hanh khách “hú hồn” do hạ canh nhầm đường băng. Chuyến bay từ Huế đi Hà Nội, khởi hành lúc 19 giờ 50 phút ngày 28/7/2018 đã hạ cánh lệch vị trí quy định trong điều kiện thời tiết xấu, mưa lớn tại sân bay Nội Bài.

cac-su-co-tren-nhieu-chuyen-bay-cua-vietjet-va-vietnam-airlines-khien-hanh-khach-hu-hon

Bụng và càng máy bay có nhiều vết cày xước mạnh và hư hỏng nhẹ do hạ cánh lệch vị trí.

Trước đó, vào tối 16/7/2018, trong thời tiết mưa to một tàu bay khác của Vietnam Airlines gặp trục trặc tại sân bay Vinh, nguyên nhân do phi công đã đáp trượt đường băng, khiến bánh càng trước bị nổ lốp bên phải, rách cửa gió động cơ, hệ thống đèn cất hạ cánh ở đường băng bị đổ vỡ. Vụ việc đã khiến sân bay Vinh phải đóng cửa gần 12 tiếng, từ 21h tối 16/7 đến 8h sáng 17/7.

Vào lúc 14 giờ 53 phút ngày 29/4/2018, máy bay A321 của Vietnam Airlines số hiệu VN7344, chặng Hồ Chí Minh - Cam Ranh đã hạ cánh xuống đường băng CHC số 02 chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ công tác toàn bộ thành viên tổ lái chuyến bay VN7344, cùng toàn bộ kíp trực điều hành bay tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh để phục vụ công tác điều tra; tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật máy bay để xem xét quyết định việc khai thác tiếp theo.

Nguy hiểm hơn là những sự cố xảy ra ở độ cao hàng nghìn mét như trường hợp chuyến bay VN227 từ Hà Nội - Hồ Chí Minh vào 7h sáng ngày 5/2/2016, chỉ sau 40 phút cất cánh chiếc máy bay A350 chở 137 hành khách đã gặp sự cố giảm áp ở khoang bay, bung mặt nạ dưỡng khí.

cac-su-co-tren-nhieu-chuyen-bay-cua-vietjet-va-vietnam-airlines-khien-hanh-khach-hu-hon

Nhiều hành khách hốt hoảng khi sự cố xảy ra. Ảnh: TL

Ngay lập tức, cơ trưởng chuyến bay xin phép quay lại và hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Rất may không có hành khách bị thương, chỉ có 1 tiếp viên bị thương nhẹ đã được sơ cứu tại phòng y tế Nội Bài. Sau đó, 137 hành khách đã được sắp xếp để chuyển sang các chuyến bay kế tiếp ngay sau đó và đã hạ cánh an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nghiêm trọng nhất có thể kể đến vụ việc vào ngày 22h30 ngày 16/12/2014 trên chuyến bay VN1266, xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh đến Vinh khởi hành lúc 17h12 (giờ địa phương). Khi đến gần sân bay Vinh máy bay đã gặp trục trặc kỹ thuật: áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000FT (tương đương khoảng 11.000m) xuống 13.000FT (tương đương khoảng 4.000m) và mặt nạ dưỡng khí bung ra để trợ giúp hành khách và phi hành đoàn.

Ngay lập tức tổ bay xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất. Máy bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 19h15.

cac-su-co-tren-nhieu-chuyen-bay-cua-vietjet-va-vietnam-airlines-khien-hanh-khach-hu-hon

Máy bay rơi tự do 122m ở độ cao gần 11km làm cả trăm hành khách hoảng loạn, toàn bộ hành lý và vật dụng trong khoang bị xáo trộn.

Ngày 6/8/2013, chuyến bay Hà Nội - Bangkok mang số hiệu VN615 (bằng máy bay Airbus 321) cất cánh từ Nội Bài lúc 14h00. Khi đang bay bằng ở độ cao 36.000 feet (10.973 m) và tiếp viên đang phục vụ bữa ăn, máy bay bất ngờ đi qua vùng nhiễu động trời trong. Đây là loại nhiễu động hiện nay rada thời tiết của máy bay chưa phát hiện được, khiến máy bay bị tụt độ cao 400 feet (tương đương 122 m).

Hy hữu nhất là trường hợp máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines bị gãy 1 bên trục càng trước bị gãy và 1 lốp bị rơi ra ngoài sau khi hạ cánh vào chiều 21/10/2013. Đây là chuyến bay cất cánh từ Hải Phòng đi Đà Nẵng. Sau khi tàu bay hạ cánh, toàn bộ tổ bay và 41 khách đã rời khỏi máy bay bình thường.

Tại thời điểm tàu bay này đang nằm trên bãi đỗ, bộ phận kỹ thuật tiến hành kiểm tra 1 bên trục càng trước bị gãy và 1 lốp bị rơi ra ngoài. Vietnam Airlines cho biết đây là sự cố hi hữu lần đầu tiên xảy ra đối với máy bay ATR-72 của hãng.

Theo GiaDinh