Các dấu hiệu nhận biết lỗi hệ thống phun xăng điện tử ở xe máy

Hệ thống phun xăng điện tử (FI) ở xe máy, nếu trong quá trình sử dụng nếu không được bảo dưỡng bộ phận này sẽ phát sinh lỗi khiến người dùng gặp không ít phiền phức

Hệ thống phun xăng điện tử với tên gọi tắt Fi ( Fuel Injection ) hoặc EFI ( Electronic Fuel Injection ). Hệ thống phun xăng điện tử xe máy có ưu điểm giảm đáng kể lượng khí thải ra môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, khởi động tốt, vận hành êm ái, tuy nhiên hệ thống Fi này cũng có những hạn chế mà người dùng cần nắm được để sử dụng xe đúng cách.

Hệ thống phun xăng điện tử gồm 3 bộ phận chính: Các cảm biến, bộ phận điều khiển và cơ cấu chấp hành. Với nguyên lý hoạt động: bộ phận cảm biến liên tục theo dõi quá trình hoạt động của động cơ để truyền tải thông tin đến bộ điều khiển, lúc này hệ thống điều khiển điện tử can thiệp quá trình phun nhiên liệu vào buồng đốt để tối ưu hóa việc  tiêu thụ nhiên liệu. Hầu hết các trường hợp trục trặc đều xuất phát từ các cảm biến và cơ cấu chấp hành.

Nhờ tối ưu hóa lượng xăng bơm để tạo hòa khí có tỷ lệ cháy tốt nhất ở từng xi-lanh, EFI giúp động cơ làm việc ổn định, tăng công suất và giảm mức tiêu hao nhiên liệu. Muốn FFI bền hơn đừng quên chú ý phát hiện lỗi và sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời.

Các dấu hiệu hệ thống phun xăng điện tử xe máy gặp sự cố

Xe dễ chết máy hoặc vòng tua máy cao ở chế độ không tải.

Xe không đạt được tốc độ tối đa.

Xe yếu, tăng tốc chậm.

Xe khó hoặc không thể khởi động được.

Xe dễ bị rồ ga.

Nổi đèn check.

Nguyên nhân gây bệnh cho hệ thống phun xăng điện tử

Cảm biến bị hỏng, bẩn hoặc lỏng giắc cắm
Tuổi thọ của các cảm biến là khá cao và ít khi xảy ra hỏng hóc. Chúng thường gặp các nguyên nhân gây sai lệch hoặc mất tín hiệu tạm thời như: đầu cảm biến bị bám bẩn (đèn check không sáng), giắc điện cắm vào cảm biến bị lỏng, chập chờn (trường hợp này đèn check sẽ sáng hoặc lúc sáng lúc không).

Các dấu hiệu nhận biết lỗi hệ thống phun xăng điện tử ở xe máy

 Bộ phận cảm biến ở xe máy. Ảnh minh họa

Mỗi cảm biến bị hỏng lại có các dấu hiệu khác nhau như: Cảm biến oxy quá bẩn có thể gây ra khói đen, cảm biến bướm ga giảm độ nhạy làm tăng độ trễ tay ga dễ sinh rồ ga hoặc như cảm biến không tải chết có thể khiến xe hay chết máy,…

Thông thường đối với hầu hết sự cố từ cảm biến thì chỉ cần tháo ra vệ sinh sạch là sẽ hết (việc xác định nguyên nhân xuất phát từ cảm biến hoặc cụm cảm biến nào tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của người thợ). Nếu sau khi vệ sinh mà dấu hiệu hư hỏng không hết thì cần thử cảm biến mới để xác định chính xác cảm biến cũ đã hỏng hay chưa trước khi quyết định thay mới.

Hư hỏng bộ phận chấp hành

Bộ phần chấp hành gồm các chi tiết chính như kim phun, bơm xăng.

Tắc kim phun: Đây là nguyên nhân khá phổ biến do chất lượng xăng kém, lọc xăng quá bẩn dẫn đến các dấu hiệu như: Tốc độ tối đa, gia tốc của xe giảm rõ rệt, xe đi dễ bị rồ ga, xe ì khi tải lớn. Trong trường hợp này chỉ cần đưa xe tới trung tâm sửa chữa để súc rửa kim phun là hết.

Cháy bơm xăng, tắc lọc xăng: Bơm xăng có thể bị cháy do hút phải rỉ sét trong bình xăng hoặc do hết xăng. Lọc xăng quá bẩn, đường ống dẫn xăng bị hở hoặc trong họng hút của bơm có khí xâm thực khiến lượng xăng cũng cấp không đủ, xe đi dễ bị “hụt hơi”, dễ chết máy hoặc không khởi động được. Nên thay lọc xăng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không nên đi xe khi kim xăng dưới vạch đỏ trong thời gian dài.

Ngoài ra, hệ thống phun xăng điện tử còn gặp vấn đề do các nguyên nhân như đứt dây điện, tiếp xúc giữa các mối nối bị oxy hóa hoặc do ECU bị lỗi, hỏng,…

Lưu ý trong quá trình sử dụng

Chỉ khởi động sau khi đèn check đã tắt.

Bảo dưỡng và thay lọc gió và lọc xăng định kỳ.

Khi đèn check sáng mãi mà không tắt không nên lo lắng quá nhưng cần đưa tới trung tâm để được chẩn đoán và xác định nguyên nhân ngay khi có thể.

Nên đổ xăng tại các trạm xăng uy tín và chỉ số octan cao (A95).

Nên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống phun xăng điện tử xe máy tại trung tâm uy tín.

Vì vậy, để hệ thống phun xăng điện tử hoạt động tốt và hiệu quả phải chú ý phát hiện bệnh, định kỳ bảo dưỡng và làm vệ sinh sạch sẽ các bộ phận của hệ thống như: kim phun, họng ga, lọc và bơm xăng cùng đường tuy ô dẫn xăng từ bơm tới kim phun … cùng các dây dẫn cấp điện tới các cảm biến. Có như vậy hoạt động của hệ thống mới trơn tru và đạt hiệu quả cao nhất.

Theo VietQ