Các chiêu cần nhớ để an toàn khi đi thang máy một mình

Câu chuyện bé gái bị Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng ôm hôn bé gái khi bé gái đi thang máy một mình tại chung cư Galaxy 9 (Nguyễn Khoái, p.1, Q.4, TP.HCM) vào tối ngày 1/4 gây xôn xao dư luận.

cac-chieu-can-nho-de-an-toan-khi-di-thang-may-mot-minh

Bên cạnh việc bức xúc vẫn còn đó, nhiều người đặt câu hỏi, làm sao có thể dạy con cách phòng trách việc bị sàm sỡ khi đi thang máy một mình.

Theo võ sư Lê Hoàng Mai, không gian trong thang máy ở các tòa nhà, khu vui chơi, trường học rất chật hẹp. Những kẻ có định sàm sỡ sẽ có hai lý do: Biến thái và sử dụng chất kích thích. Lúc này, họ rất mạnh. Nạn nhân là trẻ em và phụ nữ chân tay yếu, nếu dùng vũ lực để chống trả sẽ thua, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Vị võ sư khuyên, cha mẹ không nên để trẻ đi một mình đến những nơi vắng và tuyệt đối không dạy con dùng vũ lực để giải quyết khi bị sàm sỡ. Trường hợp phải để con đi thang máy, đến chỗ vắng một mình thì nên trang bị cho con một chiếc còi và dặn hãy luôn mang theo.

Đồng thời, cha mẹ hãy dặn con, khi cảm thấy nguy hiểm thì thổi còi. Những kẻ biến thái rất sợ tiếng động và sợ bị phát giác. Cửa thang máy chỉ khoảng một phút là mở, vì thế, có tiếng động chúng sẽ dừng lại.

Với những người phụ nữ, ngoài sử dụng chiếc còi, nếu đi thang máy mà bị sàm sỡ thì hãy vờ chấp nhận. Chấp nhận ở đây không phải để kẻ biến thái thích làm gì thì làm, mà là để bảo vệ mình.

Trong thang máy thường có camera. Khi đối tượng ôm hôn, sàm sỡ, làm sao đưa mặt anh ta ra cho camera chiếu rõ.

“Đừng nên dùng vũ lực để chống đối. Những kẽ biến thái rất mạnh, phụ nữ, trẻ em dùng vũ lực không ăn thua, có khi nguy hiểm đến tính mạng”, võ sư Mai nhấn mạnh một lần nữa.

Một kinh nghiệm khác được chia sẻ, theo Christopher Roberts, CEO và là đồng sáng lập Công ty an toàn quốc tế SAFE International (Canada), thang máy là vị trí lý tưởng để những kẻ phạm tội chọn nạn nhân tình dục tiềm năng, vì nó tạo cơ hội để chúng cách ly nạn nhân ở không gian đủ kín, riêng tư.

cac-chieu-can-nho-de-an-toan-khi-di-thang-may-mot-minh

Nhiều người sẽ khuyên bạn nên đứng xa bảng điện tử nhất có thể, để nếu "kẻ tấn công" ấn nút dừng bất thường, bạn có thể tấn công anh ta trước bởi chẳng có lý do gì để người này dừng thang máy. Tuy nhiên theo chuyên gia Christopher Roberts, điều này ít thực tế, vì hầu hết mọi người sẽ cố gắng giữ phép lịch sự và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra, cố gắng phủ nhận động cơ xấu của người kia.

Ông khuyên mọi người đứng ngay trước bảng điều khiển ở một góc mà có thể quan sát được tất cả mọi người trong thang máy. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái, hãy ấn tầng gần nhất, và nếu bị tấn công hãy ấn và giữ tất cả các nút trên bảng điều khiển nếu có thể, để hy vọng cửa thang mở liên tục. Tư thế đứng đúng nhất là lưng quay vào tường để tránh bất ngờ bị tấn công từ phía sau.

Với trẻ nhỏ, một số lưu ý sau mà cha mẹ cần lưu ý khi để con đi thang máy một mình:

- Không nên đi vào thang máy một mình với người lạ. Trong trường hợp cảm thấy nguy hiểm, nên chờ chuyến sau.

- Khi đi thang máy có nhiều người nên đứng gần các trẻ em và phụ huynh khác, cách xa những người trông có vẻ nguy hiểm.

cac-chieu-can-nho-de-an-toan-khi-di-thang-may-mot-minh
(Ảnh minh họa)

- Trường hợp đi thang máy đông người mà có ai đó cố tình nắm tay, sờ soạng các vị trí nhạy cảm như ngực, mông, đùi, chỗ hiểm…hãy hét lớn: “Cô/Chú/Ông/Bà không được chạm vào cháu!”. Người trong thang máy sẽ giúp đỡ bé, hoặc chí ít kẻ đó sẽ không dám tiếp tục hành động.

- Luôn đứng quay lưng vào tường hoặc đứng gần bảng điều khiển thang máy. Khi gặp nguy hiểm phải bấm tầng gần nhất hoặc tất cả các nút có thể với tới. Bấm nhiều tầng để thang máy liên tục mở ra đóng lại sẽ có người giúp đỡ, hoặc bỏ chạy hoặc kẻ tấn công con cũng bị bối rối. Ngoài ra các nút báo cháy, báo sự cố thang máy cũng có thể giúp đỡ bé trong trường hợp nguy cấp.

cac-chieu-can-nho-de-an-toan-khi-di-thang-may-mot-minh
Bấm nhiều nút nhất có thể khi gặp nguy hiểm.

- Nếu trong thang máy không có người thì hãy hét lên thật to, để các nhân viên giám sát qua camera có thể nghe thấy và tìm cách giúp đỡ.

- Phụ huynh nên dạy bé đâu là những vùng nhạy cảm trên cơ thể không cho phép bất kì ai chạm vào. Đồng thời rèn luyện bé tấn công vào các vùng dễ bị tổn thương của kẻ lạ khi bị xâm phạm. Ví dụ như mắt, cổ, bộ phận sinh dục… Đừng e ngại, an toàn của con mới là quan trọng nhất.

Bậc phụ huynh nên làm gì để bảo vệ con:

- Để bảo vệ con, các bậc phụ huynh cũng nên tự hạn chế trò chuyện với con trong thang máy, để tránh kẻ xấu nắm bắt được các thông tin về tên, tuổi, trường lớp và thói quen sinh hoạt.

- Cùng với đó, các bậc phụ huynh cũng nên dạy con cách chia sẻ các chuyện không may xảy ra. Tạo cho trẻ niềm tin rằng, con luôn có cha mẹ kề bên dẫu có khó khăn, nguy hiểm nào.

- Tin điều bé kể là sự thật và nói bé đã rất đúng khi nói ra với bố mẹ. Hãy khẳng định với con là bé đã vô cùng dũng cảm, bé hoàn toàn không có lỗi.

- Học cách trấn an con khi chuyện xấu xảy ra, để bé cảm nhận được bé luôn được yêu thương và bạn sẽ làm mọi điều để ngăn chặn hành vi xâm hại, bé sẽ được an toàn.

- Quan sát các biểu hiện cảm xúc và hành vi của con, kịp thời tìm đến sự trợ giúp từ các bác sĩ tâm lý, các chuyên gia để hỗ trợ con nếu cần.

Theo GiaDinh