Bức tâm thư xúc động của một y tá về hôn nhân đồng giới

Với tư cách là một y tá ở phòng hồi sức đặc biệt, Trish Gorman cho biết phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng trên toàn lãnh thổ của Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng trước có ý nghĩa đặc biệt đối với cô. Bởi vì Gorman từng chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt trong vô vàn tiếc nuối của một đôi đồng tính nam cách đây 20 năm.

Trish Gorman, một y tá đến từ tiểu bang Pennsylvania, đã đăng tải lên trang Facebook cá nhân một câu chuyện cảm động về hai người đồng tính nam bị từ chối quyền thăm viếng ở những giây phút cuối đời. Cô cho rằng đó là dạng trải nghiệm có thể làm thay đổi suy nghĩ của một con người về tình yêu, cuộc sống và tầm quan trọng của pháp lý trong xã hội hiện nay. 

Sau sự kiện lần đó, Gorman đã quyết định đứng bên cạnh hàng ngũ của những người vận động quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT mà đặc biệt là kêu gọi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.


 Trish Gorman hiện nay (phải)

Dưới đây là nguyên văn bức tâm thư của Trish Gorman:
"Cách đây 20 năm hoặc hơn, khi đó tôi vẫn còn là một y tá tại khoa hồi sức cấp cứu. Một ngày nọ, chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân bị chấn thương đầu nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng từ một vụ tai nạn xe hơi. 

Hầu hết những bệnh nhân trong trường hợp này đều được gắn một cái tên giả, ví dụ như 'unid-1234', cho đến khi chúng tôi có thể liên hệ được với gia đình của họ.

Vâng, người đầu tiên mà chúng tôi tìm được chính là mẹ của anh ta cho nên chúng tôi đã liên hệ với bà ấy.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, bà ấy là người chịu trách nhiệm cho tất cả các quyết định y tế mà chúng tôi đưa ra cho bệnh nhân. Đại loại như là có tiến hành phẫu thuật hay không hoặc nên làm gì khi tim của anh ấy ngừng đập...; những điều tương tự như thế. Ngoài ra, việc liên hệ với ai khi xảy ra trường hợp khẩn cấp và những ai được quyền viếng thăm cũng nằm trong quyết định của bà ấy.


 Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, hóa ra, người mẹ này đã không nhìn thấy con trai mình trong hơn 20 năm. Bà ấy đã từ bỏ anh chỉ vì anh ta đồng tính và yêu một người đàn ông khác rồi dọn ra ở riêng.

Dù sao đi nữa, bàn tay của chúng tôi đã bị trói hoàn toàn.

Sau đó, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với người bạn trai của bệnh nhân. Thì ra họ đã mua nhà và cùng chia sẻ cuộc sống với nhau trong hơn 20 năm qua.

Bàn tay của chúng tôi thật sự đã bị trói hoàn toàn.

Những người tự xưng là 'gia đình' của bệnh nhân đã lập một danh sách những người có thể và không thể viếng thăm. Tất nhiên, bạn đời của anh ta đã không được đưa vào danh sách.

Dù không muốn thế nhưng chúng tôi về mặt pháp lý đã phải thực hiện tất cả những gì mà người mẹ yêu cầu. Và một trong những yêu cầu kiên quyết nhất của bà ta chính là người bạn đời của bệnh nhận tuyệt đối không được phép vào thăm.

Chúng tôi buộc phải tuân theo.

Chúng tôi không có sự lựa chọn nào, về mặt pháp lý.

Trong nhiều tuần sau đó, tôi đã bỏ công việc của mình và hằng ngày mua một ly coffee cho người đàn ông tội nghiệp luôn khóc ở sảnh bệnh viện bởi vì không thể ở bên cạnh người bạn đời mà anh ta đã sống chung trong 20 năm vào thời khắc sinh tử. Tôi thậm chí còn không thể chia sẻ tình trạng của bệnh nhân cho anh ta biết vì những quy định HIPAA (Luật bảo vệ hồ sư bệnh lý của bệnh nhân).

Bàn tay của tôi bị trói còn trái tim của tôi thì tan vỡ ra từng mảnh.


 Ảnh minh họa

 Kể từ ngày hôm đó, tôi đã quyết định dành phần đời còn lại của mình để đấu tranh cho hôn nhân bình đẳng.
Chính vì thế, quyết định của Tòa án Tối cao vào tháng trước có ý nghĩa với tôi hơn bất cứ thứ gì mà bạn có thể tưởng tượng".


Theo Minh Chánh (Theo Huffington/MTG)