Bộ trưởng Bộ Y tế: Từ nay đến cuối năm, giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vấn đề bảo đảm công tác an toàn người bệnh, giảm tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện tại hội nghị CLB Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, sáng 7/6. Bộ trưởng cho biết, khảo sát cho thấy, vẫn còn 20% người bệnh chưa hài lòng với nhà vệ sinh bệnh viện.

bo-truong-bo-y-te-tu-nay-den-cuoi-nam-gia-vien-phi-se-duoc-dieu-chinh-theo-muc-luong-co-so-moi

Khử khuẩn, giữ bàn tay sạch giúp giảm nguy cơ nhiễm chéo cho người bệnh và chính nhân viên y tế. Ảnh: T.L

Cần giảm tình trạng nhiễm khuẩn tại chính bệnh viện

Nói về chủ đề “Bệnh viện xanh - sạch - đẹp” tại hội nghị CLB Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khảo sát cho thấy vẫn còn 20% người bệnh chưa hài lòng với nhà vệ sinh bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện phải thật lưu ý vấn đề nhà vệ sinh và nhấn mạnh: "Đến bất cứ bệnh viện nào, từ tỉnh, huyện rồi trạm y tế xã tôi cũng kiểm tra nhà vệ sinh". Người đứng đầu ngành Y tế lại một lần nữa nhắc lại quan điểm: "Nhà vệ sinh bẩn là Giám đốc bệnh viện đó ở bẩn; còn nhà vệ sinh của khoa bẩn thì Trưởng khoa đó ở bẩn".

Bộ trưởng cũng nhắc nhở các bệnh viện đảm bảo công tác an toàn người bệnh, giảm tình trạng nhiễm khuẩn tại chính bệnh viện. "Theo khảo sát tại một số bệnh viện lớn, tỉ lệ nhân viên y tế rửa tay đúng quy trình chiếm khoảng 80%. So với trước đây đã cao hơn nhiều nhưng tỉ lệ này cần phải tăng hơn nữa vì rửa tay sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm chéo cho người bệnh và chính nhân viên y tế. Bản thân tôi ngày nào cũng rửa tay khoảng 10 lần", Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Liên quan đến vấn đề tự chủ tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng tính đủ sẽ giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng các bệnh viện, huy động xã hội hoá để người dân có thêm lựa chọn. Theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2019, giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới 1.490.000 (1/7/2019) và sẽ tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Là một trong 4 bệnh viện đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm tự chủ tài chính hoàn toàn, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết từ 2015, Bệnh viện này đã thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên với nguồn thu gần 4.500 tỉ đồng/năm (năm 2018). Tới đây, Bệnh viện Bạch Mai là một trong 4 đơn vị thuộc Bộ Y tế (cùng với Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy) thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, buộc các bệnh viện phải đặc biệt chú trọng về chất lượng dịch vụ y tế cũng như chăm sóc, cải cách hành chính.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cơ chế tự chủ toàn diện giúp bệnh viện công chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị. "Tuy nhiên chúng tôi cũng hiểu được trách nhiệm của ngành và của bệnh viện đối với người dân nên trong kế hoạch này, đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế giá viện phí sẽ không thay đổi, còn giá theo yêu cầu có thể điều chỉnh tăng 10-15% với một số dịch vụ nhưng vẫn nằm trong khung giá được Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định. Cùng đó, Bệnh viện cũng thành lập một hội đồng cùng các thành viên của Bộ Y tế sẽ tham gia kiểm soát giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với bệnh viện tự chủ tài chính", PGS Quốc Anh nói.

Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 160 cơ sở y tế tự chủ chi thường xuyên, chiếm 7,6% số đơn vị, riêng Bộ Y tế đã có 26/45 bệnh viện trực thuộc tự chủ. Việc tự chủ tài chính đã giúp các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh.

Nhiều bệnh viện tự chủ tài chính trong việc mua sắm trang thiết bị mới, xây dựng khu khám chữa bệnh dịch vụ, nâng cao tay nghề và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế. Từ thực tế đó, tỷ lệ hài lòng của người dân ngày một tăng cao.

Nhiều cuộc gọi tới đường dây nóng khen ngợi nhân viên y tế

Thống kê của Bộ Y tế năm 2018, đường dây nóng y tế đã nhận được gần 66.000 cuộc gọi, trong đó có gần 12.500 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi. Theo đó các cơ sở vật chất, quy trình chuyên môn tiếp tục là những nội dung bị phản ánh nhiều nhất, chiếm tới 71% nội dung; 16% cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế. Có 0,5% cuộc gọi phản ánh các vấn đề tiêu cực trong bệnh viện. Đáng lưu ý là số cuộc gọi khen ngợi nhân viên y tế những năm qua cũng tăng hơn rất nhiều.

Trong khi đó, kết quả khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam (PAPI), chỉ số tham nhũng vặt ở bệnh viện huyện giảm còn 0,4%, thấp hơn năm 2016 (17%) và 2017 (9%). Lãnh đạo Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận một số cán bộ y tế mặc dù được tập huấn, nhưng còn cứng nhắc trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh, còn tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh, chưa xác định người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ.

Theo GiaDinh