Bố trực chốt phong tỏa, tỏ ra không quen khi gặp con gái



Theo lịch phân công của hội cựu chiến binh, ông Nguyễn Thế Phiệt (68 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) nhiệt tình đi trực tại chốt khu phong tỏa, giúp đỡ người dân trong khu cách ly.

Sau khi phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2, khu dân cư tại đường An Nhơn, phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM đã bị phong tỏa. Là chi hội trưởng hội cựu chiến binh trong khu vực, ông Phiệt nhanh chóng nhận lời tham gia trực chốt tại khu cách ly.

Mỗi ca trực kéo dài 3h, làm một ngày nghỉ 2 ngày.

Ngoài ông Phiệt, các thành viên hội cựu chiến binh và hội phụ nữ thay phiên nhau túc trực, giúp đỡ người dân và chính quyền địa phương.

Công việc của ông khi đi trực bao gồm: phụ trách không cho ai vào và ra khỏi khu cách ly, giám sát việc giao hàng giữa shipper và người dân, hỗ trợ phát hàng hóa cứu trợ.

bo-truc-chot-phong-toa-to-ra-khong-quen-khi-gap-con-gai

Ông Phiệt nhiệt tình tham gia trực tại chốt khu vực phong tỏa, giúp đỡ người dân.

Chia sẻ với Zing, Ái Linh (27 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), con gái ông Phiệt, kể rằng ban đầu gia đình khá lo lắng khi bố bắt đầu đảm nhận công việc này.

Tuy vậy, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, gia đình yên tâm để ông cống hiến cho cộng đồng.

"Bố mình là chi hội trưởng hội cựu chiến binh, lại thường xuyên chơi bóng bàn, tập thể dục trước khi giãn cách nên khá khỏe mạnh. Ông cũng kỹ tính, mẹ con đi chợ về là xịt cồn 'tưng bừng'. So với sức khỏe và kinh nghiệm của bố, mình thấy việc trực chốt không có vấn đề gì", Linh cho biết.

Mỗi lần đi trực, ông Phiệt đều cẩn thận trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, mặc áo có cổ, quần tây chỉnh tề, kèm theo nón, giầy thể thao, đeo 2 lớp khẩu trang, thêm mắt kính lão và kính chống giọt bắn.

"Phương châm của bố mình là không nhận thì thôi, chứ đã nhận là phải làm đàng hoàng, nhiệt tình", cô nói.

Linh kể lại một câu chuyện vui về bố mình. Trong một lần đi trực, ông Phiệt bắt gặp con gái khi cô đang trùm quần áo, khẩu trang kín mít và lại gần chụp ảnh ông. Ngay lập tức, theo phản xạ, ông hỏi: "Gì thế hả cháu?".

Linh dí dỏm kết lại: "Này là vì nhiệm vụ quên con rồi".

Khi Linh đưa hình ảnh bố lên mạng, cô nhận được nhiều lời chia sẻ, chúc sức khỏe dành cho bố.

Một số người lo lắng về trang phục chưa đủ đảm bảo an toàn, nhưng Linh nhanh chóng trấn an: "Bố mình có đeo khẩu trang vải ngoài khẩu trang N95. Có cả kính chống giọt bắn nữa".

bo-truc-chot-phong-toa-to-ra-khong-quen-khi-gap-con-gai

Ái Linh chụp hình cùng bố tại lễ tốt nghiệp.

Linh cũng chia sẻ với Zing rằng việc đi trực của bố cô khá "êm ả" do người dân trong khu đã sống cùng nhau lâu năm. Thời điểm bắt đầu phong toả, mọi người nắm bắt được tình hình dịch nguy hiểm nên có ý thức tự giác cao.

Đồng thời, chính quyền phường cũng đảm bảo đồ cứu trợ được giao đến đầy đủ, thực phẩm tươi ngon, giao hàng thuận lợi nên không gặp nhiều trở ngại.

Gia đình Linh hiện vẫn cố gắng giữ tinh thần tích cực, đóng góp cho cộng đồng, hy vọng mùa dịch sớm qua để cuộc sống trở lại bình thường.

Tính đến chiều ngày 5/8, Việt Nam có 185.057 ca nhiễm trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 182.723 ca mắc trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 181.153 ca, 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Từ 0h ngày 2/8, TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. Người dân thực hiện phương châm "ai ở đâu ở đấy", tuyệt đối không di chuyển khỏi TP.HCM cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND TP phối hợp với các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu.

Theo Zingnews