Bố mẹ ra sức "vỗ béo" cho con nhưng hệ lụy về sau khiến nhiều người phải giật mình

Lâu nay, nhiều bố mẹ vẫn nghĩ con to béo thì sẽ khỏe mạnh, đề kháng tốt, nhưng sự thật lại hoàn toàn không phải như vậy.

Trẻ bị thừa cân, béo phì ngày càng có xu hướng gia tăng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, thừa cân, béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

bo-me-ra-suc-vo-beo-cho-con-nhung-he-luy-ve-sau-khien-nhieu-nguoi-phai-giat-minh

Trẻ nhỏ bị béo phì ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là ở thành thị. Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Năm 1996, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 43% vào năm 2009.

Giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM là trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Mới đây, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiếp tục công bố những con số đáng báo động về tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em.

Theo đó, trong công trình nghiên cứu về tình trạng suy dinh dưỡng, khẩu phần ăn, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, THCS và THPT tại 75 trường thuộc 25 xã, phường của Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng đã chỉ ra rằng: Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị.

Cụ thể, tình trạng thừa cân, béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm 41,9% và nông thôn 17,8%. Đối với học sinh THCS, học sinh thành thị thừa cân chiếm 20,9%, trong khi học sinh nông thôn là 7,9%.

Cũng trong nghiên cứu mới được công bố này, các chuyên gia cho biết, khẩu phần ăn của học sinh tiểu học cao hơn nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và protein.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học như thường xuyên ngồi trước màn hình tivi, điện thoại, sử dụng nhiều đồ uống có đường chế biến và bán trên đường phố (nước mía, nước đá bào siro, trà sữa...) làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ em.

Dấu hiệu dễ nhận thấy của trẻ bị thừa cân, béo phì là gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi...

Bên cạnh đó, để đánh giá chính xác trẻ có bị thừa cân béo phì hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành đo các chỉ số trên cơ thể như số đo cân nặng và chiều cao của trẻ. Từ đó, có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Béo phì ở trẻ nhỏ là "cửa ngõ" của rất nhiều bệnh

Theo PGS.TS Cao Thị Thu Hương (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), béo phì ở trẻ nhỏ là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật ngay ở hiện tại cũng như lúc trẻ trưởng thành.

bo-me-ra-suc-vo-beo-cho-con-nhung-he-luy-ve-sau-khien-nhieu-nguoi-phai-giat-minh

Hạn chế thức ăn nhanh và đồ uống có gas để tránh tình trạng bị thừa cân béo phì. Ảnh TL

Theo đó, trẻ béo phì khi ở độ tuổi đi học sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu về ngoại hình, dẫn đến chán nản, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm ở trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, béo phì ngay từ nhỏ cũng là "cửa ngõ" của nhiều bệnh lúc trưởng thành như: thoái hóa khớp, đau thắt lưng. Bởi lẽ, khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh.

Ngoài ra, ở trẻ bị béo phì, tình trạng kém dung nạp glucose kéo dài có thể gây ra bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu về sau. Mặt khác, khi lớn lên, những người quá béo cũng dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng đường và chất tạo ngọt quá lớn.

Hơn nữa, những trẻ bị béo phì sớm cũng phải đối mặt với nguy cơ lúc lớn lên bị tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thậm chí tai biến mạch não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Làm gì để hạn chế tình trạng trẻ bị béo phì?

PGS.TS Trần Thúy Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, để hạn chế tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng, trước hết, cần tăng cường truyền thông giáo dục tại gia đình và nhà trường về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì.

Trong đó, nên giảm tiêu thụ đường tinh chế, sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm; đồng thời kiểm soát cân nặng của trẻ; tăng cường hoạt động thể lực, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.

Các việc làm cụ thể bố mẹ nên thực hiện như:

- Nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau đẻ và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.

- Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, chế độ ăn cân đối hợp lý bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi.

- Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa.

- Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas.

- Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem sữa đặc có đường.

- Không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, kem, nước ngọt trong nhà.

- Không nên cho trẻ ăn nhiều vào lúc tối trước khi đi ngủ.

- Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.

- Tăng cường các hoạt động thể lực cho trẻ. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội.

- Hướng dẫn trẻ sống năng động, tham gia làm các công việc ở nhà: Lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc.

- Hạn chế ngồi xem tivi, trò chơi điện tử quá lâu

Theo GiaDinh