Bloomberg: Việt Nam chống COVID-19 hiệu quả bằng "chiến lược Mỹ có nhưng ông Trump quên"

Việt Nam đã đánh bại đợt virus corona đầu tiên bằng cách áp dụng chiến lược chống dịch mà Mỹ đã có nhưng bị chính quyền ông Trump lãng quên - Bloomberg viết.

bloomberg-viet-nam-chong-covid-19-hieu-qua-bang-chien-luoc-my-co-nhung-ong-trump-quen

Ảnh: Linh Pham/Getty Images

Chiến lược chống dịch khác biệt

Theo Bloomberg, hiện tại, Việt Nam tiếp tục sử dụng kế hoạch chống dịch như trước đây để đối phó với những ca lây nhiễm mới sau 3 tháng "vắng bóng" COVID-19, nỗ lực để giữ vững thành tựu là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới chưa có ca tử vong nào vì COVID-19, tính tới hết thời điểm hiện tại.

Thậm chí trước khi Việt Nam xác nhận có những ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các ban ngành triển khai chiến lược đã được phát triển vào năm 2014 trong dự án an ninh y tế toàn cầu - với sự hỗ trợ một phần của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) và những tổ chức khác.

Việc theo sát kế hoạch chiến lược này đã giúp Việt Nam đánh bại virus corona vào đầu năm nay, quét sạch các ổ dịch.

Đối diện với sự tái xuất của virus corona - tình hình tương tự cũng đang xảy ra tại Nhật Bản, Hong Kong và Australia - Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát các ổ dịch COVID-19 khiến 36 người nhiễm mới trong tuần qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 459 ca tính tới hết sáng ngày 30/7.

Chính quyền các địa phương đã yêu cầu cách ly nghiêm ngặt đối với hàng nghìn người từng di chuyển tới thành phố Đà Nẵng, áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế ra ngoài, thắt chặt biên giới và kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ nhằm ngăn chặn những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.

Với lo ngại virus corona sẽ lan tới các khu vực khác, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, các tỉnh thành Việt Nam đã yêu cầu hạn chế tập trung đông người và yêu cầu đóng cửa các quán bar.

bloomberg-viet-nam-chong-covid-19-hieu-qua-bang-chien-luoc-my-co-nhung-ong-trump-quen

Ảnh: Linh Pham/Getty Images

"CDC Mỹ đã phối hợp với Việt Nam và giúp đỡ xây dựng kế hoạch từng bước để chống đại dịch," PGS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, nói. "Chính phủ rất lo ngại về đợt dịch bệnh thứ hai. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề này".

Theo Bloomberg, điểm then chốt trong chính sách chống dịch thành công của Việt Nam là nhanh chóng xét nghiệm bệnh nhân, cách ly những người nhiễm bệnh, truy vết quyết liệt, cách ly 14 ngày với những người tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Matthew Moore, giám đốc Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu của CDC tại Việt Nam, việc cung cấp thông tin thường xuyên và minh bạch cũng là điều cần thiết.

"Việt Nam đã nhiều lần cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh," ông nói.

Thành tựu của Việt Nam đã được nhiều quốc gia trên thế giới ca ngợi. Trong khi đó, Mỹ đã có hơn 4,4 triệu ca nhiễm bệnh, 150.000 người tử vong trong khi ông Trump liên tục xem nhẹ sự lây lan của virus. Thay vì theo sát lời khuyên của chuyên gia, trong tháng 7 ông Trump từng đăng lại (retweet) một bài viết cho rằng CDC đang nói dối về virus corona.

Việt Nam và Mỹ có nhiều sự khác biệt trong cách chống dịch. Vài tuần sau khi Việt Nam thông báo các ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 1, các trường học đã được yêu cầu đóng cửa.

- Tại Mỹ, ông Trump vẫn phản đối việc đóng cửa trường học, thậm chí còn dọa sẽ rút các khoản đầu tư liên bang nếu trường học không đưa học sinh trở lại.

- Việt Nam đã nhanh chóng xét nghiệm toàn bộ trường hợp nghi nhiễm, trong khi Mỹ vẫn đang phải đối diện với tình trạng thiếu dụng cụ xét nghiệm.

Theo Sở y tế Đà Nẵng, thành phố này đã cho phong tỏa 3 bệnh viện mà các bệnh nhân dương tính từng tới và yêu cầu toàn bộ bệnh nhân, người thân, nhân viên y tế và nhân viên bệnh viện - khoảng 6.018 người - tự cách ly trong vòng 14 ngày. Khoảng 3.607 người khác đã được cách ly tại các cơ sở tập trung, trung tâm y tế và tại nhà.

Bloomberg cho rằng Việt Nam có một số lợi thế then chốt mà Mỹ không có trong quá trình phòng dịch. Ví dụ, người dân rất đoàn kết khi chính quyền kêu gọi giãn cách xã hội, trong khi nhiều người Mỹ lại phản đối lệnh phong tỏa và lệnh yêu cầu đeo khẩu trang.

Chiến lược chống dịch của Việt Nam bao gồm các tranh cổ động, tin nhắn cung cấp thông tin, ứng dụng giúp người dân truy dấu các ca nhiễm bệnh ở gần và thông tin được cập nhật liên tục trên trang web của Bộ Y tế.

Các đợt dịch bệnh trước đây

Đợt bùng phát dịch SARS hồi năm 2003 đã khiến 5 người tử vong tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm cũng khiến 52 người tử vong trong giai đoạn từ năm 2004 tới năm 2008. Việt Nam cũng đã từng phải đối phó với dịch bạch hầu từng khiến 3 người tử vong và 700 người tại Đắk Lắk phải cách ly.

Hà Nội hiện đang thực hiện xét nghiệm với 21.000 người từ Đà Nẵng trở về. Thành phố Hội An đang bắt đầu áp dụng cách ly xã hội.

Trong khi đó, Bộ Y tế đã công bố thông tin về hàng chục địa điểm có khả năng là "ổ dịch" trên khắp cả nước, bao gồm một siêu thị ở Đà Nẵng, một nhà hàng pizza ở Hà Nội và một trung tâm thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh. Những người từng tới đây được khuyến nghị gửi thông tin cá nhân - và những người từng tiếp xúc gần - cho Bộ Y tế.

Hành động nhanh chóng của Việt Nam đã giúp quốc gia này trở thành lựa chọn của nhiều công ty đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Một số công ty Nhật Bản, với hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, đang tính tới phương án hoạt động tại Việt Nam - Bloomberg cho hay.

Theo Tổ Quốc

-----

Xem thêm:

+Trại hè 'phớt lờ' đeo khẩu trang, hàng trăm trẻ em mắc COVID-19

+Phong tỏa chung cư có hơn 300 người ở quận 12

+3 người trong một gia đình ở Hội An mắc COVID-19, không hề có triệu chứng

-----