Bình ổn thị trường hàng hóa, đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân

Đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp nhiều lần so với trước.​

Bên lề cuộc họp khẩn do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và đầu mối là Sở Công thương, lực lượng quản lý thị trường cùng các doanh nghiệp phân phối trên toàn bộ hệ thống phân phối tại Việt Nam để tìm được nguồn hàng cung cấp cho nhu cầu của người dân cũng như người tiêu dùng.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam, nguồn hàng dành cho nhu cầu của người dân cũng như người tiêu dùng Việt Nam không thiếu. Đặc biệt, Bộ Công Thương khẳng định đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Do vậy, Bộ Công Thương lưu ý người dân và người tiêu dùng hạn chế tập trung đông người tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nơi bán hàng tại các chợ truyền thống… để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tác động đến tâm lý của người dân cũng như xã hội.

binh-on-thi-truong-hang-hoa-dam-bao-cung-cap-du-nhu-yeu-pham-cho-nguoi-dan

Hà Nội khẳng định, ngoài hệ thống siêu thị, thành phố có các kênh khác đủ tiềm lực đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân, do vậy mọi người không cần mua tích trữ. Ảnh: L. Bảo

Ngoài ra, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã có phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30-50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng, đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân.

Điều đáng nói, trong khi người dân Hà Nội đổ xô đi các chợ, siêu thị tích lũy thực phẩm (đặc biệt là rau, củ, quả) thì thực tế, nông sản của các doanh nghiệp vẫn đang tồn đọng khá nhiều và đang chờ xuất khẩu.

Đơn cử như tại bãi xe của Công ty cổ phần Thương mại vận tải Bảo Nguyên (huyện Văn Lãng) - một trong những bãi xe lớn tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 300 xe hàng nông sản - chủ yếu là hoa quả tươi đang chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.

binh-on-thi-truong-hang-hoa-dam-bao-cung-cap-du-nhu-yeu-pham-cho-nguoi-dan

Nguồn hàng của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần xuất khẩu vẫn rất lớn. Ảnh: C. Giang

Tương tự, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam và cửa khẩu Chi Ma lượng thông quan còn rất chậm. Hiện các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn khoảng 500 xe hàng tồn đọng, chủ yếu là các mặt hàng nông sản hoa quả tươi như dưa hấu, xoài, mít, thanh long…

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu các tỉnh biên giới khẳng định số lượng hàng hóa của Việt Nam rất dồi dào do vậy hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa với các nước vẫn phải duy trì. Điển hình như tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang), những ngày qua đã xuất khẩu 24 xe hàng hóa gồm thanh long, nhãn, ớt, tinh bột săn, dưa hấu…

Hiện tại chính quyền các tỉnh biên giới đang tiếp tục trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng nước bạn để thống nhất phối hợp triển khai các giải pháp nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh.

binh-on-thi-truong-hang-hoa-dam-bao-cung-cap-du-nhu-yeu-pham-cho-nguoi-dan

Hệ thống các siêu thị ở Hà Nội đã tăng cường hàng hóa nhằm đảm bảo nguồn cung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ảnh: B. Loan

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ "kép", vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của năm 2020. Tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường; triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm người đầu cơ, nâng giá giữa dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo đối với Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm về việc cung cấp đủ hàng hoá cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hoá.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 23h đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.

Theo GiaDinh