Biến chứng nguy hiểm khi tiêm chất làm đầy 'rởm'

Hiện nay nhiều chị em lựa chọn làm đẹp bằng tiêm filler- (chất làm đầy). Tuy nhiên nếu tiêm chất làm đầy kém chất lượng sẽ gây biến chứng nguy hiểm.

Thực tế, theo ghi nhận của báo Vietnamnet, trào lưu làm đẹp bằng filler (chất làm đầy) đang thu hút sự chú ý của chị em. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, các cơ sở tự phát sử dụng filler trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ chứng nhận để tiêm cho khách hàng khá nhiều.

Các loại filler “vàng thau lẫn lộn” giá nào cũng có, được rao bán nhan nhản tùy theo nhu cầu và túi tiền của khách. Hàng Trung Quốc giá rẻ khoảng 1 triệu đồng/1cc, hàng Thụy Điển được rao giá 3 triệu đồng/1cc, hàng xách tay của Mỹ giá từ 3,5 - 6 triệu đồng/1cc, và thậm chí có loại trên 10 triệu đồng/1cc.

Với tâm lý ham giá rẻ, chưa tìm hiểu kỹ hoặc am hiểu ít về tính chất của sản phẩm, không ít khách hàng nhanh chóng “sập bẫy”. Khi tiêm các loại filler trôi nổi này vào có thể gây ra nhiều hậu quả như viêm da, vón cục, dị dạng vùng tiêm… vừa mất tiền, vừa tổn hại nhan sắc, sức khỏe.

Biến chứng nguy hiểm khi nếu tiêm chất làm đầy 'rởm'

 Tiêm chất làm đầy không đảm bảo sẽ có nguy cơ biến chứng cao. Ảnh minh họa

Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, việc tiêm filler cũng không phải đơn giản mà đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề và am hiểu về giải phẫu vùng mặt của các bác sỹ để đưa mũi tiêm đúng vùng cần làm đầy, tránh filler đi vào các mạch máu dễ gây nghẽn mạch và các biến chứng nghiêm trọng khác. Chính vì vậy, các tổ chức y khoa trên thế giới khuyến cáo, filler chỉ nên được cho phép tiêm ở các cơ sở đạt chuẩn, được cấp phép để đạt hiệu quả và đảm bảo sức khỏe.

Về bản chất hóa học, các chất làm đầy kể trên là những chất có độ tinh khiết và an toàn cao, không gây độc và không chứa độc tố, có tính tương thích cao với cơ thể người.

Nhưng về mặt cơ học, do khả năng tồn tại khá lâu dài trong cơ thể, nên nếu tiêm chất làm đầy không đúng cách hoặc được thực hiện bởi những người không đủ trình độ chuyên môn và tay nghề, chất làm đầy có thể gây tắc nghẽn mạch máu, khiến vùng da không được tưới máu nuôi dưỡng có thể bị hoại tử, hoặc tai biến có thể nghiêm trọng hơn như mù mắt hay mất/giảm thị lực vĩnh viễn, chưa kể đến những rủi ro về viêm nhiễm trùng nếu môi trường thực hiện thủ thuật không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn.

Mặc dù những rủi ro trên xuất hiện với tỉ lệ khá thấp, khoảng 0,6 phần ngàn (tức 10.000 ca sẽ có khoảng 6 ca rủi ro) nhưng tỉ lệ này tại Việt Nam đang có xu hướng tăng cao hơn do ngày càng có nhiều người thực hiện tiêm chất làm đầy không được đào tạo bài bản, mà chỉ là học qua những kinh nghiệm truyền miệng hay chỉ đơn giản là thực hiện một cách tự phát thông qua các clip trên mạng internet. Chính vì vậy, việc tiêm chất làm đầy cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện bởi những bác sĩ có đầy đủ trình độ chuyên môn và tay nghề tại một cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn.

Theo VietQ